Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật người lao động là người giúp việc gia đình như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:03 (GMT+7)

Bài viết giải thích trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật người lao động là người giúp việc gia đình

1. Phát hiện và thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động

Theo Điểm a Khoản 1 Điều 122 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động thì mới có căn cứ để xử lý kỷ luật người lao động. Trong trường hợp thông thường, khi phát hiện ra hành vi vi phạm kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động có 02 cách để chứng minh người lao động có lỗi và có thực hiện hành vi vi phạm kỷ luật:

- Lập biên bản vi phạm kỷ luật lao động nếu phát hiện hành vi vi phạm của người lao động ngay khi người lao động thực hiện

- Thu thập chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động

Tuy nhiên, đối với trường hợp người lao động là người giúp việc cho gia đình, thì rất khó để người sử dụng lao động có thể lập biên bản vi phạm kỷ luật lao động ngay khi người lao động thực hiện hành vi do người lao động làm việc tại nhà người lao động, môi trường làm việc của người lao động không phải môi trường lao động nghiêm ngặt, cũng như các hành vi vi phạm của người lao động có thể xảy ra chớp nhoáng, khó phát hiện khi người sử dụng lao động hay thành viên hộ gia đình không ở nhà.

Khi người sử dụng lao động lập biên bản vi phạm kỷ luật lao động hoặc đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh người lao động vi phạm kỷ luật lao động thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động giúp việc gia đình, người đại diện theo pháp luật của người lao động (nếu người lao động là người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi) về việc xử lý kỷ luật đối với người lao động (theo quy định tại Điểm d Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ). Đối với trường hợp bình thường, người sử dụng lao động còn phải thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, nhưng người lao động giúp việc cho gia đình làm việc tại nhà người sử dụng lao động, hầu như không tham gia tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở nào, nên người sử dụng lao động không phải thông báo cho chủ thể này.

2. Tổ chức họp xử lý kỷ luật

2.1. Thành phần tham gia

Cuộc họp xử lý kỷ luật được tổ chức bởi người sử dụng lao động, các chủ thể phải tham gia bao gồm:

- Người sử dụng lao động

- Người lao động là người giúp việc gia đình vi phạm kỷ luật lao động

- Người đại diện theo pháp luật của người lao động giúp việc gia đình vi phạm kỷ luật lao động trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi

Cuộc họp không có sự tham gia của đại diện tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở (do không có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở).

Trên thực tế, đây có thể coi là một cuộc trao đổi riêng giữa các bên về vấn đề vi phạm kỷ luật và hình thức xử lý kỷ luật cho người lao động, do người lao động (đại diện người lao động) và người sử dụng lao động đều là các chủ thể liên quan trực tiếp về quyền và lợi ích trong quan hệ lao động.

2.2. Thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật người lao động

Theo Điểm a Khoản 2 Điều 70 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trong ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tổ chức họp kỷ luật lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho các chủ thể tham gia họp kỷ luật lao động về thời gian, địa điểm tổ chức cuộc họp xử lý kỷ luật.

2.3. Nội dung cuộc họp

Các bên tiến hành thảo luận về các nội dung sau:

- Hành vi vi phạm của người lao động giúp việc trong gia đình

- Căn cứ pháp lý: Luật, nội quy lao động, hợp đồng lao động, thỏa thuận khác

- Chứng cứ mà người sử dụng lao động thu thập được để chứng minh lỗi và hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động

- Hình thức kỷ luật phù hợp với hành vi và lỗi của người lao động giúp việc gia đình

Theo Điểm c Khoản 1 Điều 122 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, người lao động có quyền bào chữa cho mình (hoặc nhờ luật sư, người đại diện theo pháp luật của mình bào chữa) trong quá trình thảo luận của cuộc họp.

Người sử dụng lao động ở trường hợp này toàn quyền quyết định về hình thức xử lý kỷ luật với người lao động (không có sự can thiệp của tổ chức đại diện người lao động), việc thảo luận ở đây chỉ nhằm xác minh chứng cứ của người sử dụng lao động, hành vi, lỗi của người lao động, cũng như các căn cứ về xử lý kỷ luật lao động, đảm bảo tính minh bạch, khách quan trong xử lý kỷ luật lao động.

2.4. Kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật

Khi kết thúc cuộc họp xử lý kỷ luật thông thường thì người sử dụng lao động phải lập biên bản cuộc họp. Tuy nhiên đối với trường hợp người lao động là người giúp việc gia đình thì không cần lập biên bản cuộc họp (Theo Điểm đ Khoản 6 Điều 89 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ).

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư