Trường hợp nào cấm đóng cửa tạm thời nơi làm việc?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:55 (GMT+7)

Bài viết này giải thích về các trường hợp người lao động bị cấm đóng cửa tạm thời tại nơi làm việc

Người sử dụng lao động có thể tạm thời đóng cửa nơi làm việc với các lý do như sửa chữa máy móc, thiết bị, vệ sinh nơi làm việc,… nhưng không được đóng cửa tạm thời trong một số trường hợp nhất định. Các trường hợp đó là gì? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 206 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có 02 trường hợp người sử dụng lao động không được tạm thời đóng cửa nơi làm việc, bao gồm:

1. Trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công

Người sử dụng lao động được tổ chức đại diện người lao động thông báo bằng bản về việc tổ chức đình công trước ít nhất 05 ngày kể từ ngày tổ chức đình công. Trong thông báo này có bao gồm thời gian, địa điểm tổ chức đình công. Về bản chất, đình công là hoạt động ngừng việc tự nguyện của người lao động, thể hiện lập trường và yêu cầu từ người lao động, nên nếu đóng cửa nơi làm việc ngay trước khi tổ chức đình công thì người lao động trở thành được nghỉ vì nơi làm việc tạm đóng cửa, chứ không phải là ngừng việc do tranh chấp lao động.

Việc đóng cửa nơi làm việc ngay trước khi tổ chức đình công cũng có thể làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án đình công mà tổ chức đại diện người lao động đã xây dựng và được đa phần người lao động của người sử dụng lao động đồng tình, do các hoạt động trong phạm vi đình công có thể được tổ chức tại nơi làm việc. Vì vậy, rất khó để tổ chức đại diện người lao động thay đổi phương án đình công chỉ trong 12 giờ trước thời điểm bắt đầu đình công. Việc đóng cửa trước 12 giờ so với thời điểm người lao động bắt đầu đình công thể hiện sự chống đối của người sử dụng lao động đối với hoạt động đình công của người lao động, nên bị pháp luật về lao động, cụ thể là Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 cấm.

2. Sau khi người lao động ngừng đình công

Sau khi người lao động ngừng đình công, tức là khi đã có sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động, hoặc người sử dụng lao động đã chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của người sử dụng lao động. Khi ngừng đình công thì người lao động quay trở lại làm việc như bình thường. Nếu tạm đóng cửa nơi làm việc ngay sau khi người lao động ngừng đình công, hành động này được coi là cản trở người lao động thực hiện công việc của mình, ngăn không cho người lao động quay trở lại làm việc cho người sử dụng lao động. Mà người lao động khi tham gia đình công đã mất một quãng thời gian không được hưởng tiền lương, thưởng để chi trả cho sinh hoạt của mình và gia đình, nếu tiếp tục nghỉ do đóng cửa nơi làm việc, thu nhập của người lao động không được đảm bảo.

Việc tạm đóng cửa nơi làm việc sau khi người lao động ngừng đình công cũng cho thấy sự thách thức của người sử dụng lao động với tổ chức đại diện người lao động cũng như người lao động dù trước đó đã có động thái giải quyết tranh chấp. Do đó, hành vi này bị cấm bởi pháp luật về lao động.

Như vậy, chỉ có 02 trường hợp người sử dụng lao động không được tạm thời đóng cửa nơi làm việc, đều liên quan đến đình công, nhằm đảm bảo tổ chức đại diện người lao động cũng như người lao động thực hiện đình công một cách tự do, dân chủ nhất, không chịu áp lực từ người sử dụng lao động.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư