Đình công là gì? Trường hợp nào đình công bất hợp pháp?

Thứ hai, 08/01/2024, 07:40:52 (GMT+7)

Pháp luật quy định những trường hợp nào đình công bất hợp pháp? Dịch vụ tư vấn pháp luật lao động hiệu quả. Luật Hoàng Anh cam kết uy tín - bảo mật

Đình công là một khái niệm được biết đến khá rộng rãi trong xã hội, vì đình công là một hoạt động tập thể có tính chất ảnh hưởng cao trong xã hội và nhiều ngành nghề khác nhau. Đình công cũng có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được nếu không được quản lý chặt chẽ, hoặc có thể tạo được những ảnh hưởng to lớn đối với xã hội. Do sức ảnh hưởng lớn của mình, đình công đứng trong góc độ của các chuyên ngành khác nhau có sự khác biệt rõ ràng. Trên thực tế, không phải cuộc đình công nào cũng được coi là hợp pháp. Vậy pháp luật hiện hành quy định thế nào về các trường hợp đình công bất hợp pháp? Hãy cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu qua nội dung bài viết dưới đây hoặc GỌI NGAY tới 0908308123 để được tư vấn pháp luật lao động  MIỄN PHÍ và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. 

Căn cứ pháp lý

- Bộ Luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019 (Bộ Luật lao động 2019);

- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 14 tháng 12 năm 2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Khái niệm đình công

Theo Điều 204 Bộ luật lao động 2019, có 06 trường hợp được coi là đình công bất hợp pháp, bao gồm:

Theo góc độ pháp lý, đình công là quyền cơ bản của người lao động, do đó, pháp luật nước nào cũng nên có quy định về hoạt động đình công của người lao động.

Về pháp luật Việt Nam, theo Điều 198 Bộ luật lao động 2019 quy định :

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Đặc điểm của đình công 

Dựa vào quy định này, có thể phân tích khái niệm đình công như sau:

Thứ nhất, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức được thực hiện bởi người lao động

Hoạt động đình công do người lao động thực hiện và chỉ có người lao động có thể thực hiện. Một người lao động cũng không thể thực hiện đình công do không gây được áp lực về kinh tế lên người sử dụng lao động. Do vậy, phải có một số lượng lớn người lao động tham gia ngừng việc, thì mới đủ khả năng khiến người sử dụng lao động cân nhắc yêu cầu của người lao động, và đáp ứng điều kiện đầu tiên để trở thành “đình công”. Những người lao động này cũng không ngừng việc hẳn, không đơn phương chấm dứt hợp đồng vì đình công với mục đích đảm bảo yêu cầu của người lao động, nếu đã nghỉ việc, thôi việc đồng loạt thì không còn đáp ứng mục đích của đình công nữa.

Đình công là sự ngừng việc của người lao động dù số lượng là bao nhiêu cũng phải được diễn ra một cách tự nguyện và có tổ chức. Nếu người lao động bị ép thực hiện đình công thì các yêu cầu đối với người sử dụng lao động không phải là yêu cầu, mong muốn của người lao động, dẫn đến hoạt động ngừng việc không còn mang ý nghĩa bảo đảm, nâng cao quyền lợi của người lao động nữa, thì không thể coi là đình công. Tương tự, nếu hoạt động ngừng việc của một nhóm lao động được thực hiện tự phát, không có tổ chức lãnh đạo, dẫn đến không có sự thống nhất trong ngừng việc và các hoạt động khác trong quá trình ngừng việc, có thể xảy ra các hành vi quá khích như đập phá, bạo động,… gây mất trật tự, an ninh xã hội, như vậy không thể coi là đình công hợp pháp.

Thứ hai, đình công được tổ chức và lãnh đạo bởi tổ chức đại diện người lao động có thẩm quyền thương lượng tập thể và là một bên tranh chấp lao động tập thể

Do đình công của người lao động phải có tổ chức, cần có một chủ thể có thể lãnh đạo và tổ chức một cách bài bản, hợp pháp cho hoạt động ngừng việc của người lao động. Chủ thể phù hợp nhất là tổ chức đại diện người lao động vì chủ thể này có sự liên kết chặt chẽ đối với người lao động, đại diện cho người lao động thực hiện thể hiện một số quyền của người lao động với người sử dụng lao động (như đóng góp ý kiến tham khảo để người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động) và cũng là chủ thể có quyền tham gia vào các cuộc họp kỷ luật lao động, tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho người lao động như tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục,… Đồng thời cũng là chủ thể có quyền tham gia và yêu cầu thương lượng tập thể.

Tuy nhiên hiện nay, có nhiều tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được thành lập và hoạt động. Tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng là tổ chức đạt đủ tiêu chuẩn về số lượng thành viên do Chính phủ quy định, nếu tại cơ sở có nhiều tổ chức đại diện người lao động có đủ tiêu chuẩn về số lượng thành viên thì tổ chức có nhiều thành viên hơn có quyền yêu cầu thương lượng tập thể. Ngoài ra nếu các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không có đủ số thành viên thì có thể kết hợp với nhau để yêu cầu tham gia thương lượng tập thể. Các chủ thể này sau đó trở thành bên tranh chấp trong tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, hoặc tranh chấp lao động tập thể về quyền thì có quyền và trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức đình công khi không thể giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải viên, hội đồng trọng tài.

Thứ ba, đình công có mục đích là đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể

Mục đích của đình công không phải để người sử dụng lao động chịu thiệt hại về vật chất hay trả thù người sử dụng lao động. Mục đích của đình công là gây áp lực cho người sử dụng lao động, khiến người sử dụng lao động phải có các động thái phối hợp với người lao động, tổ chức đại diện người lao động giải quyết tranh chấp lao động, hoặc phải có phương án mà các bên tranh chấp cùng chấp nhận được để kết thúc tranh chấp này.

Các dấu hiệu của đình công

Từ việc phân tích khái niệm đình công, có thể thấy việc nhận dạng đình công phải dựa vào những dấu hiệu cơ bản sau đây:

- Dấu hiệu thứ nhất: Đình công là sự phản ứng của những người lao động thông qua hành vi ngừng việc hoàn toàn. Trong điều kiện bình thường, người lao động có nghĩa vụ phải làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng hoặc sự phân công của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trong trường hợp xảy ra bất đồng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động hay một thể thể khác, tập thể lao động có thể ngững việc nhằm gây áp lực buộc chủ thể kia phải chấp nhận các yêu sách. Sự ngừng việc này được coi là hợp pháp hay bất hợp pháp tùy thuộc vào quy định của pháp luật những đây là dấu hiệu đầu tiên, là thuộc tính cơ bản phản ánh tính chất của đình công. 

Dấu hiệu thứ hai: Đình công là hiện tượng phản ứng có tính tập thể được tiến hành bởi những người lao động. Đình công là biện pháp phản ứng của tập thể lao động. Sự tham gia của tập thể lao động vừa là một trong các biểu hiện bên ngoài của đình công, vừa là một dấu hiệu không thể thiếu của đình công. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt đình công với sự ngừng việc của cá nhân người lao động. Thông thường, nếu cá nhân người lao động tự ý ngừng việc nhằm gây sức ép với người sử dụng lao động sẽ bị coi là vi phạm kỉ luật lao động, cá nhân đó có thể phải chịu chế tài kỉ luật hoặc phải bồi thường thiệt hại (nếu có) cho chủ sử dụng lao động. Nhưng nếu là hành vi ngừng việc được thực hiện bởi tập thể lao động, là nhóm người có cùng động cơ và mục đích hoạt động, phối hợp với nhau một cách chặt chẽ, đồng bộ và có hiệu quả trong quá trình đình công nhằm gây sức ép thì lại được coi là đình công.

- Dấu hiệu thứ ba: Đình công được thực hiện một cách có tổ chức. Tính tổ chức của cuộc đình công được hiểu là người có lãnh đạo đình công, đình công có yêu sách rõ ràng và đã được chuẩn bị trước. Thành phần lãnh đạo đình công có thể là tổ chức đại diện của những người lao động như công đoàn hay nghiệp đoàn hoặc tổ chức đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp. Trong thực tế, tính tổ chức của đình công thường thể hiện như sau:

(i) Có một cá nhân hoặc một nhóm người đóng vai trò lãnh đâọ đình công, những người này đại diện cho ý chí của tập thể lao động và tập thể này sẽ tuân thủ sự chỉ đạo của họ trong quá trình đình công

(ii) Có phương án hành động cụ thể được xác định rõ ràng trong từng thời điểm, phương án này thường được chuẩn bị trước khi tiến hành đình công.

(iii) Có phương châm hành động với những nguyên tắc và thể lệ rõ ràng được mọi người tôn trọng;

(iv) Được sự giúp đỡ về vật chất hoặc ủng hộ về tinh thần của các cá nhân hoặc tổ chức khác đối với những người tham gia đình công thông qua vai trò của một tổ chức lãnh đạo chung.

- Dấu hiệu thứ tư: mục đích của đình công là nhằm đạt những yêu sách gắn với lợi ích của tập thể lao động. Khi tiến hành đình công, những người lao động gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại với người sử dụng lao động hay một chủ thể khác để đạt được những yêu sách nhất định.Trong trường hợp nhà nước và người sử dụng lao động không có các biện pháp phù hợp nhằm điều hòa, hạn chế những mâu thuẫn về lợi ích trong quan hệ với người lao động, khiến người lao động cho rằng không còn các biện pháp ôn hòa nào có thể bảo vệ quyền lợi của mình, họ sẽ phản ứng bằng cách ngừng việc tập thể nhằm gây sức ép với nhà nước hoặc chủ sử dụng lao động - đó chính là hiện tượng đình công.

Phân loại đình công

Căn cứ vào tính chất của đinh công

Căn cứ vào tính chất đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công kinh tế và đình công chính trị. 

- Đình công kinh tế: Là những cuộc đình công nhằm gây sức ép với người sử dụng lao động hoặc chủ thể khác để đạt được quyền và lợi ích lớn hơn liên quan đến quan hệ lao động như việc làm, tiền lương, thu nhập, điều kiện lao động.... trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, nghề nghiệp. Đây là loại đình công phổ biến nhất, phản ánh rõ nét bản chất của đình công là biện pháp đấu tranh kinh tế.

- Đình công chính trị: Là những cuộc đình công nhằm gây sức ép để phản đối chính quyền hoặc nhà nước hoặc các đảng phái chính trị nhằm đạt được các mục đích chính trị mà người đình công quan tâm. Thông thường cuộc đình công chính trị là nhằm phản đối chính sách hoặc quy định liên quan đến quyền lợi của giới lao động và xảy ra trên phạm vi quy mô lớn. Đình công chính trị có ảnh hướng lớn đến trật tự, an ninh xã hội và sự tồn tại của các chế độ cầm quyền trong phạm vi quốc gia.

Căn cứ vào mục đích đình công

Căn cứ vào mục đích đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công yêu sách và đình công hưởng ứng. 

- Đình công yêu sách là những cuộc đình công nhằm đạt được các yêu sách về quyền và lợi ích cho chính những người lao động tham gia đình công. Điều này cũng không loại trừ trường hợp yêu cầu mà những người đình công đưa ra có thể còn mang lại lợi ích cho những người không tham gia đình công. Pháp luật Việt Nam chỉ thừa nhận những cuộc đình công nhằm giải quyết những tranh chấp lao động thể mới là hợp pháp. Đa số các cuộc đình công hiện nay là đình công yêu sách.

- Đình công hưởng ứng: Là những cuộc đình công nhằm ủng hộ, bày tỏ thái độ đồng tình để hỗ trợ cho cuộc đình công khác trong khi những người tham gia đình công không có yêu sách về quyền và lợi ích của mình. Những cuộc đình công hưởng ứng thường xuất hiện ở những nơi sử dụng lao động tập trung như các khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc trong một ngành, trong những ngành liên quan hoặc khi khi nghiệp đoàn của người lao động kêu gọi ủng hộ. 

Căn cứ vào phạm vi đình công

Căn cứ vào phạm vi đình công, có thể chia đình công thành bốn loại là đình công bộ phận doanh nghiệp, đình công doanh nghiệp, đình công ngành/khu vực và tổng đình công.

- Đình công bộ phận doanh nghiệp: Là những cuộc đình công do tập thể lao động trong phạm vi một doanh nghiệp tiến hành. Trong đó, mô hình doanh nghiệp ở đây được hiểu là một đơn vị sử dụng lao động. Đây là các đơn vị thường xảy ra đình công, cũng là phạm vi đình công thường được pháp luật thừa nhận.

- Đình công ngành/khu vực: Là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi một ngành/khu vực tiến hành.

- Tổng đình công: Là những cuộc đình công của những người lao động trong phạm vi nhiều ngành hoặc nhiều khu vực trong cả nước tiến hành. Về nguyên tắc, tổng đình công có thể do giới lao động trong phạm vi quốc gia tiến hành. 

Căn cứ vào tính hợp pháp của đình công

Căn cứ vào tính hợp pháp của đình công, có thể chia đình công thành hai loại là đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. 

- Đình công hợp pháp: Là các cuộc đình công tuân thủ các quy định của pháp luật. Mục đích cơ bản của các quy định này là để nhà nước kiểm soát đình công, hạn chế những cuộc đình công không cần thiết hoặc có tính chất tiêu diệu đối phương, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng. Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, đình công được coi là hợp pháp nếu thuộc các trường hợp người lao động có quyền đình công, đồng thời không thuộc các trường hợp đình công bất hợp pháp. 

- Đình công bất hợp pháp: Là cuộc đình công vi phạm các quy định pháp luật về đình công. 

Các trường hợp đình công bất hợp pháp

Căn cứ theo quy định tại Điều 204 Bộ luật lao động 2019, có 06 trường hợp được coi là đình công bất hợp pháp, bao gồm:

Không thuộc trường hợp được đình công

Theo Điều 199 Bộ luật lao động 2019, chỉ có thể được tổ chức đình công trong 02 trường hợp:

a. Hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải

- Hòa giải không thành là trường hợp các bên không tự thỏa thuận được với nhau trong cuộc họp hòa giải, nên hòa giải viên đưa ra phương án giải quyết tranh chấp lao động nhưng các bên vẫn không chấp nhận.

- Thời hạn thực hiện hòa giải là 05 ngày kể từ ngày hòa giải viên nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động. Quá thời hạn này, không thể tiếp tục yêu cầu giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải viên.

b. Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động

Trong 30 ngày kể từ ngày thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định giải quyết tranh chấp, nếu quá hạn mà chưa đưa ra quyết định, tổ chức đại diện người lao động có thể tổ chức đình công.

Trường hợp các bên tranh chấp không tiến hành thực hiện quyết định giải quyết, đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, không còn phương hướng giải quyết nào khác hơn đình công do Tòa án nhân dân không phải là chủ thể có thẩm quyền giải quyết loại tranh chấp này.

Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công

Theo Điều 198 Bộ luật lao động 2019, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công là:

a. Tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể:

Tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể của tổ chức đại diện người lao động, theo Điều 68 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, là chủ thể thỏa mãn các điều kiện để yêu cầu thương lượng tập thể như sau:

- Có đủ số thành viên mà Chính phủ quy định

- Nếu tại một cơ sở có nhiều tổ chức đại diện người lao động đạt đủ điều kiện về số lượng thành viên thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có các hoạt động của người lao động có nhiều thành viên nhất thì có quyền yêu cầu thương lượng tập thể

- Nếu tại một cơ sở có nhiều tổ chức đại diện người lao động nhưng không tổ chức nào đạt đủ điều kiện về số lượng thành viên thì các tổ chức này có quyền kết hợp với nhau để có quyền yêu cầu thương lượng tập thể

Theo như vậy, nếu tổ chức đại diện người lao động không thuộc một trong 03 trường hợp trên, thì được coi là không có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công, và nếu tổ chức, lãnh đạo đình công, cuộc đình công đó là bất hợp pháp.

b. Một bên tranh chấp lao động tập thể

Chỉ khi là một bên trong tranh chấp lao động tập thể thì tổ chức đại diện người lao động mới có mục đích đình công và có yêu cầu đối với người sử dụng lao động. Nếu tranh chấp lao động cá nhân, thì chỉ có cá nhân mới có yêu cầu, bất đồng với người sử dụng lao động, vậy tổ chức đại diện người lao động không có quyền tổ chức đình công vì tranh chấp của một chủ thể khác.

Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của pháp luật lao động

Trình tự, thủ tục tiến hành đình công bao gồm:

- Lấy ý kiến người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động

- Ban hành quyết định đình công

- Tổ chức đình công

Trong 03 bước này, tổ chức đại diện người lao động có thể vi phạm về lấy ý kiến (như nội dung lấy ý kiến không phù hợp, phương thức lấy ý kiến không đảm bảo tính tự nguyện,...), ban hành quyết định đình công (nội dung quyết định không phù hợp, thiếu nội dung quan trọng, không thông báo cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong thời hạn quy định), tổ chức chức lao động (thời điểm, địa điểm tổ chức không phù hợp, phạm vi tổ chức không phù hợp,...)

Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết

Có 03 chủ thể có quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể là hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động và Tòa án nhân dân, trong đó Tòa án nhân dân không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích. Trong quá trình giải quyết tranh chấp bởi các chủ thể này, mọi hoạt động giải quyết tranh chấp phải được diễn ra một cách khách quan, minh bạch. Sự gây áp lực từ đình công có thể làm ảnh hưởng đến sự khách quan, minh bạch đó. Do vậy, đình công chỉ được tổ chức khi không có chủ thể nào trong 03 chủ thể trên đang giải quyết tranh chấp.

Tiến hành đình công trong tại nơi không được đình công

Các trường hợp này được quy định tại Điều 209 của Bộ luật lao động 2019, đó là những nơi có thể đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người. Những nơi này được liệt kê đầy đủ trong Phụ lục VI kèm theo Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.  Theo phụ lục này, đây đều là các công ty, tổng công ty có vai trò đặc biệt trong kiểm soát mạng lưới thông tin, điện, vận tải hàng không, khai thác khoáng sản.

Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền

Theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật lao động 2019, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền quyết định hoãn, ngừng đình công nếu cuộc đình công có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế quốc dân, lợi ích công cộng, đe dọa đến quốc phòng, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe của con người. Tuy nhiên quyết định này không được ban hành một cách chủ quan mà phải có căn cứ rõ ràng. Các trường hợp hoãn và ngừng đình công được quy định tại điều 109 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Chủ thể có thẩm quyền lãnh đạo đình công

Căn cứ theo quy định tại Điều 198 Bộ Luật lao động 2019, chủ thể có thẩm quyền tổ chức và lãnh đạo đình công là tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trong đó, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyên của người lao động tại một đơn bị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Trình tự, thủ tục đình công

Bước 1: Chuẩn bị đình công

Theo quy định tại Bộ Luật lao động 2019, thủ tục chuẩn bị đình công bao gồm:

(i) Lấy ý kiến về đình công. Điều 201 Bộ Luật lao động 2019 quy định như sau:

- Trước khi tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công quy định tại Điều 198 của Bộ luật này có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.

- Nội dung lấy ý kiến bao gồm:

+ Đồng ý hay không đồng ý đình công;

+ Phương án của tổ chức đại diện người lao động về nội dung quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 202 của Bộ luật này.

- Việc lấy ý kiến được thực hiện trực tiếp bằng hình thức lấy phiếu hoặc chữ ký hoặc hình thức khác.

- Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành lấy ý kiến về đình công do tổ chức đại diện người lao động quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày. Việc lấy ý kiến không được làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động không được gây khó khăn, cản trở hoặc can thiệp vào quá trình tổ chức đại diện người lao động tiến hành lấy ý kiến về đình công.

(ii) Ra quyết định đình công và thông báo đình công. Điều 202 Bộ Luật lao động 2019 quy định: 

-  Khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công theo quy định tại khoản 2 Điều 201 của Bộ luật này thì tổ chức đại diện người lao động ra quyết định đình công bằng văn bản.

- Quyết định đình công phải có các nội dung sau đây:

+ Kết quả lấy ý kiến đình công;

+ Thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công;

+ Phạm vi tiến hành đình công;

+ Yêu cầu của người lao động;

+ Họ tên, địa chỉ liên hệ của người đại diện cho tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

- Ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Bước 2: Tiến hành đình công

Đến thời điểm bắt đầu đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của tập thể lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công.

Dịch vụ tư vấn pháp luật lao động của Luật Hoàng Anh

Trên đây là nội dung tư vấn pháp luật liên quan đến đình công, đình công bất hợp pháp theo quy định hiện hành. Trường hợp chưa nắm rõ hoặc có vấn đề thắc mắc, hãy liên hệ ngay với Công ty Luật Hoàng Anh để được tư vấn MIỄN PHÍ và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu. 

Các luật sư của Công ty Luật Hoàng Anh là những luật sư chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, sẽ TƯ VẤN TẬN TÂM - UY TÍN và đảm bảo  trực tiếp tiến hành thủ tục một cách nhanh chóng - hiệu quả. 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư