Trường hợp nào được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các trường hợp được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương

Người lao động ngoài nghỉ hằng tuần, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết thì còn có thể được nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lương. Vậy, trường hợp nào được nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

I. Trường hợp nghỉ việc riêng

Khoản 1 Điều 115 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:

a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;

b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;

c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.

Như vậy, người lao động được coi là nghỉ việc riêng trong 01 trong 03 trường hợp trên:

- Kết hôn: Dựa trên phong tục tập quán Việt Nam, việc kết hôn là việc trọng đại và cần nhiều thời gian để chuẩn bị, đồng thời sau kết hôn người lao động cũng cần có thời gian nghỉ để hưởng tuần trăng mật và làm quen với cuộc sống hôn nhân. Vậy nên thời gian nghỉ việc riêng này dài nhất trong các thời gian nghỉ việc riêng là 03 ngày.

- Con đẻ, con nuôi kết hôn: Tương tự như trường hợp trên, theo phong tục tập quán, văn hóa Việt Nam, cha mẹ cũng phải lo cho con kết hôn, việc con tổ chức kết hôn cũng là việc của cha mẹ. Ngoài ra, đám cưới tại Việt Nam thường được tổ chức tối thiểu trong 01 ngày, với trách nhiệm của người làm cha, mẹ, người lao động cũng phải tham dự đám cưới con mình. Vì vậy đây cũng được coi là việc riêng và là lý do chính đáng để nghỉ làm việc trong thời gian ngắn là 01 ngày.

- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: Đây là trường hợp nhà người lao động có tang và người chết là người thân của người lao động. Việc tổ chức đám tang, lo ma chay còn phức tạp hơn việc tổ chức đám cưới, đồng thời, người lao động cũng gặp khó khăn về tâm lý, nếu không nghỉ cũng khó có thể làm việc tốt như bình thường. Vì vậy, người lao động có thể được nghỉ việc riêng trong thời gian này tối đa 03 ngày.

Như vậy, đây là các trường hợp người lao động thực hiện các công việc liên quan đến quan hệ gia đình và các công việc này quan trọng đối với người lao động khi thiết lập quan hệ hôn nhân của người lao động hoặc của người có mối quan hệ mật thiết nhất với người lao động là con cái, sự kiện chết của những người có quan hệ gần gũi nhất với người lao động là người thân nhất trong gia đình (những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất).

Người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động, để người sử dụng lao động biết được lý do người lao động nghỉ và xác định đây là trường hợp nghỉ việc riêng, đồng thời người sử dụng lao động cũng không được ngăn cấm người lao động nghỉ việc riêng, tránh gây tranh chấp không đáng có trong quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động.

II. Trường hợp nghỉ không hưởng lương

Khoản 2 Điều 115 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.

Tính chất nghỉ không hưởng lương không khác nghỉ việc riêng nhiều, nhất là với trường hợp thứ 03 và trường hợp 02 của nghỉ việc riêng, mức độ thân thiết trong quan hệ giữa người lao động với những chủ thể trên có thể không bằng so với với các chủ thể được đề cập trong 03 trường hợp nghỉ việc riêng, hoặc việc thiết lập quan hệ kết hôn giữa các chủ thể trên không hệ trọng bằng các hoạt động kết hôn trong các trường hợp nghỉ việc riêng.

Trong các trường hợp này, người lao động được nghỉ 01 ngày. Tương tự như trường hợp nghỉ việc riêng, người lao động phải thông báo với người sử dụng lao động, để người sử dụng lao động biết được lý do người lao động nghỉ và xác định đây là trường hợp nghỉ không hưởng lương.

Theo Khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.

Suy ra ngoài các trường hợp tại Khoản 2 Điều 115 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 và trường hợp nghỉ việc riêng, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hưởng không hưởng lương.

Như vậy, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 đã quy định khá chi tiết về trường hợp nghỉ việc riêng và nghỉ không hưởng lương, phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc cũng như thể hiện sự đảm bảo cho quyền lợi của người lao động.

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư