Trường hợp nào người lao động phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Bài viết này giải thích các trường hợp phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động và nguyên nhân

Bồi thường thiệt hại là nghĩa vụ mà người lao động phải thực hiện khi gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Vậy trường hợp nào người lao động phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động? Mức bồi thường thiệt hại, hình thức bồi thường thiệt hại căn cứ vào đâu? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Theo Điều 129 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, có 02 trường hợp người lao động phải bồi thường cho người sử dụng lao động:

1. Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động

Đầu tiên, các hành vi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc hành vi gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động đều là các hành vi ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người lao động, khiến người lao động mất chi phí sửa chữa hoặc thay mới dụng cụ, thiết bị, hoặc tài sản khác của người lao động, đồng thời làm ảnh hưởng đến năng suất lao động của chính bản thân người lao động và người lao động khác, có thể khiến người sử dụng lao động không đạt chỉ tiêu sản xuất hoặc không đủ sản phẩm để cung ứng dẫn đến thiệt hại về lợi nhuận cho người sử dụng lao động. Vì vậy người lao động phải tiến hành bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động.

Việc bồi thường thiệt hại của người lao động phải có căn cứ: Theo quy định của nội quy lao động về những hành vi được cho là làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, hoặc gây thiệt hại cho người sử dụng lao động, mức bồi thường; Theo quy định của pháp luật về lao động và dân sự về bồi thường thiệt hại.

Theo Khoản 1 Điều 129 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào lương theo quy định tại khoản 3 Điều 102 của Bộ luật này.”

Trường hợp này là trường hợp thiệt hại không quá lớn (tương ứng không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng) và do lỗi vô ý, sơ suất của người lao động nên người lao động phải bồi thường thiệt hại nhiều nhất là 03 tháng tiền lương, nhưng bị khấu trừ tổng cộng không quá 30% tiền lương một tháng, nhằm đảm bảo người lao động vẫn có đủ thu nhập để trang trải cuộc sống.

Ví dụ: Tổng giá trị thiệt hại người lao động phải bồi thường là 8.000.000 Việt Nam Đồng. Tiền lương 01 tháng của người lao động là 5.000.000 Việt Nam Đồng. Người sử dụng lao động không được khấu trừ toàn bộ tiền lương của người lao động trong 01 tháng mà chỉ được khấu trừ 30% tiền lương 01 tháng tức là 1.500.000 Việt Nam Đồng. Vì vậy nếu người lao động bị khấu trừ trong 06 tháng mới khấu trừ hết.

2. Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép

Trường hợp này gần tương tự với trường hợp trên, cũng gây thiệt hại cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên có sự khác biệt so như sau (Theo Khoản 2 Điều 129 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019):

(i) Việc bồi thường thiệt hại của người lao động phải có căn cứ: Ngoài theo nội quy lao động, theo quy định của pháp luật, còn phải căn cứ theo hợp đồng trách nhiệm nếu có hợp đồng trách nhiệm, thời giá thị trường (xác định một hoặc một phần thiệt hại)

(ii) Trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa, sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường. Đây được coi là trường hợp bất khả kháng mà người sử dụng lao động lẫn người lao động đều không mong muốn và không thể lường trước được, đặc biệt người lao động được xác định là không có lỗi, nên không phải bồi thường thiệt hại. Trong khi đó, tại trường hợp 01, người lao động được xác định là có lỗi dù là vô ý hay cố ý.

Như vậy, các trường hợp phải bồi thường thiệt hại và căn cứ bồi thường thiệt hại được quy định rất rõ ràng trong Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019, nhằm đảm bảo người sử dụng lao động được nhận bồi thường thiệt hại thỏa đáng, cũng như người lao động không phải bồi thường thiệt hại quá sức mình hoặc bồi thường trong trường hợp không có lỗi của mình.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư