Trường hợp nào thì hoãn đình công?

Thứ sáu, 23/06/2023, 10:56:48 (GMT+7)

Bài viết giải thích về các trường hợp hoãn đình công

Trong một số trường hợp nhất định, để bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng cũng như an ninh, trật tự xã hội, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể ban hành quyết định hoãn đình công. Vậy trường hợp nào thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể lấy làm căn cứ để ra quyết định hoãn đình công? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

Đình công là gì?

Dưới góc độ kinh tế, đình công là biện pháp đấu tranh kinh tế, được thực hiện bởi nhiều người lao động nhằm gây sức ép về mặt kinh tế đến người sử dụng lao động và đem lại lợi ích kinh tế cho người lao động. Tức là, khi người lao động ngừng việc, người sử dụng lao động phải chịu thiệt hại về kinh tế khi không có nguồn nhân lực sản xuất, không thể sản xuất, kinh doanh đúng theo tiến trình đặt ra, có thể bị chậm giao hàng, chậm thực hiện hợp đồng lao động do đình công. Ngược lại, người lao động khi gây sức ép như vậy lên người sử dụng lao động với mục đích đạt được các lợi ích về mặt kinh tế, như tăng tiền lương, giảm giờ làm (nhưng vẫn được hưởng mức lương cơ bản),…

Ví dụ: Trường hợp của hãng hàng không Airfrance, nhân viên đình công đòi tăng 6% lương dẫn đến thiệt hại 500 triệu USD trong đó thiệt hại 25,5 triệu USD/ngày do 80% chuyến bay không thể cất cánh.

Dưới góc độ xã hội, đình công là hoạt động ngừng việc của người lao động, có thể gây bất ổn xã hội nhưng cũng có thể góp phần xây dựng, bảo vệ những giá trị tiến bộ. Bởi vì đình công là hoạt động tập thể có quy mô lớn, nên các ảnh hưởng của hoạt động này có thể lan ra ngoài phạm vi doanh nghiệp, người sử dụng lao động, đến phạm vi vùng, hoặc có thể ảnh hưởng đến cả quốc gia. Hoạt động đình công cũng xuất phát từ sự bức xúc do không thể giải quyết tranh chấp lao động của người lao động, nên khi thực hiện hoạt động này dễ xảy ra bạo loạn, mất trật tự an ninh. Ví dụ: Đình công ở Hi Lạp do chính sách “thắt lưng buộc bụng” của nước này để có được sự viện trợ của các nước EU, có sự tham gia của hơn 70.000 người, trong số đó có những người lao động tham gia biểu tình, tiến hành đập phá, bạo loạn, chống đối cảnh sát thi hành nhiệm vụ, gây mất trật tự an ninh nghiêm trọng. Ngược lại, có những trường hợp đình công gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội của đất nước nói riêng và của thế giới nói chung. Ví dụ: Cuộc đình công tại Chicago, gồm 40.000 người, sau đó mở rộng ra khắp các bang ở Mỹ, dẫn đến Đại hội liên đoàn lao động Mỹ phải ra quyết định: “...Từ ngày 01/05/1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Từ đây, rất nhiều nước quy định thời giờ làm việc tối đa của người lao động là 08 giờ, đồng thời ngày 01/05 trở thành ngày Quốc tế lao động.

Dưới góc độ pháp lý, đình công là quyền cơ bản của người lao động, do đó, pháp luật nước nào cũng nên có quy định về hoạt động đình công của người lao động.

Đối với pháp luật Việt Nam, căn cứ theo quy định tại Điều 198 Bộ Luật lao động 2019:

Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.

Dựa vào quy định này, có thể phân tích khái niệm đình công như sau:

Thứ nhất, đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện, có tổ chức được thực hiện bởi người lao động. Hoạt động đình công do người lao động thực hiện và chỉ có người lao động có thể thực hiện. Một người lao động cũng không thể thực hiện đình công do không gây được áp lực về kinh tế lên người sử dụng lao động. Do vậy, phải có một số lượng lớn người lao động tham gia ngừng việc, thì mới đủ khả năng khiến người sử dụng lao động cân nhắc yêu cầu của người lao động, và đáp ứng điều kiện đầu tiên để trở thành “đình công”. Những người lao động này cũng không ngừng việc hẳn, không đơn phương chấm dứt hợp đồng vì đình công với mục đích đảm bảo yêu cầu của người lao động, nếu đã nghỉ việc, thôi việc đồng loạt thì không còn đáp ứng mục đích của đình công nữa.

Thứ hai, đình công được tổ chức và lãnh đạo bởi tổ chức đại diện người lao động có thẩm quyền thương lượng tập thể và là một bên tranh chấp lao động tập thể. Do đình công của người lao động phải có tổ chức, cần có một chủ thể có thể lãnh đạo và tổ chức một cách bài bản, hợp pháp cho hoạt động ngừng việc của người lao động. Chủ thể phù hợp nhất là tổ chức đại diện người lao động vì chủ thể này có sự liên kết chặt chẽ đối với người lao động, đại diện cho người lao động thực hiện thể hiện một số quyền của người lao động với người sử dụng lao động (như đóng góp ý kiến tham khảo để người sử dụng lao động xây dựng nội quy lao động) và cũng là chủ thể có quyền tham gia vào các cuộc họp kỷ luật lao động, tổ chức các hoạt động ngoài giờ cho người lao động như tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục,… Đồng thời cũng là chủ thể có quyền tham gia và yêu cầu thương lượng tập thể.

Thứ ba, đình công có mục đích là đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Mục đích của đình công không phải để người sử dụng lao động chịu thiệt hại về vật chất hay trả thù người sử dụng lao động. Mục đích của đình công là gây áp lực cho người sử dụng lao động, khiến người sử dụng lao động phải có các động thái phối hợp với người lao động, tổ chức đại diện người lao động giải quyết tranh chấp lao động, hoặc phải có phương án mà các bên tranh chấp cùng chấp nhận được để kết thúc tranh chấp này.

Hoãn đình công là gì?

Theo Khoản 1 Điều 109 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ:

Hoãn đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định lùi thời điểm bắt đầu cuộc đình công đã ấn định trong quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.

Theo đó, hoãn đình công là việc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định với mục đích lùi thời điểm bắt đầu đình công so với thời điểm đã được ấn định trong quyết định đình công khi thấy cuộc đình công thuộc vào các trường hợp hoãn đình công theo quy định của pháp luật lao động.

Các trường hợp hoãn đình công

Theo Khoản 3 Điều 109 Bộ luật lao động 2019, có 02 trường hợp hoãn đình công:

Đình công dự kiến tổ chức tại các đơn vị cung cấp điện, nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ tổ chức mít tinh kỷ niệm ngày lễ, tết

Các ngày lễ, tết là các ngày nghỉ có hưởng lương của người lao động, được quy định tại Khoản 1 Điều 112 Bộ luật lao động 2019, bao gồm: Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);  Tết Âm lịch: 05 ngày;  Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);  Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).

Trong các ngày này các tổ chức, cá nhân, cơ quan Nhà nước thường hay tổ chức mít tinh kỷ niệm. Hoạt động này đã được lên kế hoạch từ trước. Các đơn vị cung cấp điện nước, vận tải công cộng và các dịch vụ khác trực tiếp phục vụ cho tổ chức mít tinh nếu không hoạt động trong những ngày này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân, tổ chức tiến hành tổ chức, quản lý sự kiện cũng như những người tham gia. Mà mục đích của đình công không phải là gây áp lực kinh tế lên cá nhân, tổ chức khác ngoài người sử dụng lao động. Vì vậy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định hoãn đình công cho đến khi hết ngày nghỉ lễ, tết, qua các hoạt động mít tinh kỷ niệm.

Ví dụ: Ngày 30/4, 01/05 công ty A có hợp đồng cung cấp loa đài, trang trí sân khấu cho 02 buổi mít tinh trong 02 ngày. Nhân viên công ty A không được đình công do nếu đình công thì không có ai lắp đặt sân khấu, loa đài, cũng không có ai chịu trách nhiệm đảm bảo các thiết bị hoạt động tốt và thu dọn thiết bị sau khi kết thúc mít tinh. Việc đó có thể làm buổi mít tinh bị hủy, không chỉ khiến người sử dụng lao động bị ảnh hưởng mà còn khiến những người không liên quan đến đình công bị liên lụy.

Đình công dự kiến tổ chức tại địa bàn đang diễn ra các hoạt động nhằm phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật

Nếu trường hợp trên, thời gian ấn định đình công không phù hợp thì trường hợp này ngoài thời gian thì địa điểm tiến hành đình công cũng không phù hợp. Các hoạt động phòng ngứa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm hoặc tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật đều là các hoạt động cần thiết mà mọi hoạt động khác phải ưu tiên. Ví dụ: Người lao động có thể phải làm thêm trong trường hợp việc làm thêm giúp khắc phục tình huống khẩn cấp hay phải chuyển sang làm công việc không đúng theo hợp đồng trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn,… Vì thế nếu đình công ảnh hưởng đến những hoạt động phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, việc đình công phải bị hoãn đến khi thực hiện xong các hoạt động này.

Ví dụ: Huyện A đang có lũ lụt, nhân viên công ty phụ trách đường ống thoát nước của huyện không được đình công trong thời gian này do tình thế cấp thiết, thiên tai cần người lao động phải thực hiện công việc của mình. Sau khi qua lũ lụt, người lao động có thể tham gia đình công như kế hoạch.

Như vậy, pháp luật lao động hiện hành quy định 02 trường hợp phải hoãn đình công. Cả 02 trường hợp này đều là các trường hợp việc đình công làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của bên thứ ba hoặc xã hội nếu tổ chức đúng theo quyết định đình công. Do đó, có thể khẳng định rằng mục đích của hoãn đình công không phải là hạn chế quyền đình công của người lao động và tổ chức đại diện người lao động mà là giảm thiểu mức độ ảnh hưởng xấu của đình công đến các chủ thể khác trong xã hội.

Hoãn đình công được thực hiện vào thời điểm nào của cuộc đình công?

Để làm rõ nội dung này, trước hết cần phân biệt hai khái niệm hoãn đình công và ngừng đình công. Chỉ có thể ngừng đình công trong quá trình đình công, tức sau khi đã bắt đầu đình công, trong khi đó, việc hoãn đình công được thực hiện trước khi bắt đầu đình công, nhưng sau khi có quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức, lãnh đạo đình công.

Thời gian đình công được tổ chức đại diện người lao động lãnh đạo đình công lấy ý kiến của người lao động, hoặc thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng, phải có trên 50% người được lấy ý kiến đồng ý thì mới có thể ban hành quyết định đình công. Chính vì vậy thời gian đình công là nội dung quan trọng của quyết định đình công. Quyết định đình công cũng là văn bản ấn định chính thức thời gian bắt đầu đình công của người lao động.

Trình tự, thủ tục hoãn đình công

Các trình tự, thủ tục để hoãn đình công là quá trình dựa trên các căn cứ thực tế và căn cứ pháp luật, của nhiều cơ quan khác nhau dẫn đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định hoãn đình công, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không thể tự mình xác minh căn cứ thực tế đối với việc hoãn đình công. Các quy định về trình tự, thủ tục hoãn đình công được quy định tại Điều 110 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể như sau:

Bước 1: Xem xét quyết định đình công

-  Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được quyết định đình công của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải xem xét, nếu thấy cuộc đình công thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 109 Nghị định này thì có văn bản báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hoãn cuộc đình công.

- Văn bản đề nghị hoãn đình công gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bao gồm các nội dung cơ bản sau: tên người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công, tên tổ chức đại diện người lao động tổ chức và lãnh đạo đình công; địa điểm dự kiến diễn ra đình công; thời điểm dự kiến bắt đầu đình công; yêu cầu của tổ chức đại diện người lao động; lý do cần thiết phải hoãn cuộc đình công; kiến nghị hoãn đình công, thời hạn hoãn đình công và các biện pháp để thực hiện quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 2: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận báo cáo và ra quyết định hoãn đình công

- Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được báo cáo của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, ra quyết định hoãn đình công.

Bước 3: Thông báo tới các chủ thể có liên quan

Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi ra quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng trọng tài lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi dự kiến diễn ra đình công. Quyết định hoãn đình công của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bước 4: Tổ chức đại diện người lao động thực hiện hoãn đình công

Căn cứ quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức đại diện người lao động sau khi nhận được quyết định hoãn đình công phải thông báo ngay cho người lao động về việc thời gian bắt đầu đình công bị hoãn, thời hạn hoãn, lý do đình công bị hoãn để người lao động thực hiện đúng như theo quyết định.

Hết thời hạn hoãn đình công thì người lao động có được phép tiếp tục đình công không?

Điều 112 Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau:

1. Trong thời gian thực hiện quyết định hoãn, ngừng đình công theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi bị hoãn, ngừng đình công và các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên thương lượng, hòa giải để giải quyết quyền lợi của người lao động và các bất đồng khác liên quan.

2. Khi hết thời hạn hoãn, ngừng đình công theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hai bên không thương lượng giải quyết được quyền lợi của người lao động và các bất đồng khác có liên quan thì tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có thể tiếp tục tổ chức đình công nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội biết ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tiếp tục đình công.

Theo đó, để bảo đảm, giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người lao động thì trong thời gian thực hiện quyết định hoãn đình công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, cấp huyện, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công, người sử dụng lao động nơi bị hoãn đình công và các cơ quan liên quan hỗ trợ các bên thương lượng, hòa giải để giải quyết quyền lợi của người lao động và các bất đồng khác liên quan.

Trường hợp hết thời hạn hoãn mà các bên không thương lượng giải quyết được quyền lợi của người lao động và các bất đồng khác có liên quan thì tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công có thể tiếp tục đình công. Tuy nhiên, nếu tiếp tục đình công cần phải thông báo bằng văn bản ít nhất là 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tiếp tục đình công cho người sử dụng lao động, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Lao động - Thương binh vã xã hội biết.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư