Xóa kỷ luật, giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động khi nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Bài viết này giải thích các trường hợp xóa kỷ luật, thời gian để xóa kỷ luật, giảm thời gian kỷ luật lao động

Xóa kỷ luật, giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động có ý nghĩa quan trọng đối với người lao động bị xử lý kỷ luật. Vậy khi nào thì người lao động được xóa kỷ luật, giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động? Sau đây Luật Hoàng Anh xin trình bày về vấn đề này.

1. Xóa kỷ luật cho người lao động bị xử lý kỷ luật lao động

Theo Khoản 1 Điều 126 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

“1. Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.”

Dựa trên quy định này, mỗi hình thức xử lý kỷ luật lao động có sự khác biệt về thời hạn xóa kỷ luật. Tùy theo hành vi vi phạm kỷ luật của người lao động, người sử dụng lao động tiến hành xử lý kỷ luật bằng các hình thức khác nhau theo mức độ từ nhẹ đến nặng bao gồm: Khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương, cách chức và sa thải. Đối với hình thức xử lý kỷ luật sa thải, người lao động và người sử dụng lao động chấm dứt quan hệ lao động do chấm dứt hợp đồng lao động. Vì vậy không có xóa kỷ luật khi người lao động bị sa thải, do người lao động chỉ chịu sự điều hành, tuân thủ kỷ luật của người sử dụng lao động khi làm việc cho người sử dụng lao động. Các hình thức còn lại có thời gian xóa kỷ luật như sau:

- Khiển trách: Sau 03 tháng kể từ ngày người lao động bị xử lý kỷ luật

- Kéo dài thời hạn nâng lương trong 06 tháng: Sau 06 tháng kể từ ngày người lao động bị xử lý kỷ luật

- Cách chức: Sau 03 năm kể từ ngày người lao động bị xử lý kỷ luật

Như vậy, thời điểm xóa kỷ luật của người lao động cũng phụ thuộc vào mức độ nặng nhẹ của hình thức kỷ luật, hay nói cách khác là mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm kỷ luật mà người lao động thực hiện. Đối với những hình thức xử lý kỷ luật khiển trách, người lao động đã thực hiện những hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ, lần đầu vi phạm kỷ luật nên thời gian xóa kỷ luật ngắn hơn 02 hình thức còn lại. Đối  với kéo dài thời hạn nâng lương trong 06 tháng, nghĩa là áp dụng hình thức kỷ luật này trong 06 tháng, sau 06 tháng này hình thức kỷ luật kết thúc thì cũng coi như xóa kỷ luật, cũng không để lại bất kỳ hậu quả gì cho người lao động sau 06 tháng này, cũng do vậy, hình thức này được coi là hình thức kỷ luật nhẹ thứ 02 sau khiển trách. Đối với cách chức, thời gian để xóa kỷ luật dài nhất do các hành vi vi phạm dẫn đến cách chức đều tương đối nghiêm trọng và khiến người sử dụng lao động bị thiệt hại. Đồng thời, không như hình thức kéo dài thời hạn nâng lương trong 06 tháng, sau khi xóa kỷ luật, người lao động không thể quay lại thực hiện công việc dưới chức danh cũ, tức là kể cả khi xóa kỷ luật, người lao động vẫn phải hứng chịu hậu quả của xử lý kỷ luật. Do đó, có thể nói hình thức kỷ luật này là nặng nhất, chỉ sau sa thải.

Thời gian xóa kỷ luật này có ý nghĩa rất lớn không chỉ vì sau khi xóa kỷ luật, người lao động không còn phải chịu các hậu quả của xử lý kỷ luật lao động (trong trường hợp khiển trách, kéo dài thời hạn nâng lương trong 06 tháng) mà còn là điểm mốc chấm hết cho thời hạn thực hiện kỷ luật của người lao động. Trong thời hạn này, nếu người lao động tiếp tục vi phạm đúng hành vi đã bị xử lý kỷ luật, người lao động có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất là sa thải.

2. Giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động

Theo Khoản 2 Điều 126 Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019:

“2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ thì có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.”

Trường hợp giảm thời gian chấp hành kỷ luật chỉ thực hiện đối với hình thức xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương do đây là hình thức kỷ luật duy nhất có mang tính chất thời hạn, kéo dài. Việc giảm thời gina chấp hành kỷ luật chỉ được áp dụng với 02 điều kiện:

(i) Người lao động đã chấp hành được một nửa thời hạn xử lý kỷ luật, tức ít nhất 03 tháng kể từ ngày bị xử lý kỷ luật, tức một quãng thời gian đủ để người lao động nhận được tính cảnh cáo cho mình thông qua xử lý kỷ luật. Nếu thời gian ngắn hơn 03 tháng, thì hình thức xử lý kỷ luật không còn nhiều ý nghĩa với người lao động.

(ii) Người lao động có sự sửa chữa, tiến bộ. Đây là điều kiện mà người sử dụng lao động đánh giá thông qua hoạt động giám sát, quản lý, điều hành, người lao động thực hiện các công việc trong thời hạn chịu xử lý kỷ luật của người lao động, nên có thể mang tính chủ quan của người sử dụng lao động.

Có thể nói, Bộ luật lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 quy định khá chi tiết về xóa kỷ luật, giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động và các điều kiện để được xóa kỷ luật cũng như giảm thời gian chấp hành kỷ luật lao động, đảm bảo người lao động nhận thức được tính cảnh cáo khi bị xử lý kỷ luật, cũng tạo cơ hội cho người lao động quay trở lại thực hiện các công việc sau kỷ luật một cách bình thường, không bị người sử dụng lao động chèn ép.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư