Áp dụng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên đối với đối tượng nào và các loại tài sản không được kê biên?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:02 (GMT+7)

Đối tượng áp dụng biện pháp kê biên tài sản và quy định về các loại tài sản không được kê biên.

Kê biên tài sản là biện pháp cưỡng chế do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng áp dụng với bị can, bị cáo trong những trường hợp nhất định nhằm bảo đảm thi hành án (Điều 128 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Trong lĩnh vực thuế, kê biên tài sản cũng được áp dụng để cưỡng chế hành chính đối với hành vi vi phạm về thuế. Vậy đối tượng nào thì áp dụng biện pháp này và các loại tài sản nào thì không được kê biên? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, áp dụng biện pháp kê biên tài sản đối với các đối tượng sau:

- Trường hợp không áp dụng được các biện pháp sau:

+ Biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản.

+ Biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

+ Biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

- Trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.

- Trường hợp cơ quan thuế đề nghị áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

Lưu ý: Không áp dụng kê biên tài sản trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đang trong thời gian chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh được thành lập theo quy định của pháp luật.

2. Những tài sản không được kê biên

Những tài sản không được kê biên được quy định tại Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 bao gồm:

2.1. Tài sản đối với cá nhân bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế

- Nhà ở duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế.

- Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của cá nhân, gia đình người bị cưỡng chế.

- Công cụ lao động thông thường cần thiết được dùng làm phương tiện sinh sống chủ yếu hoặc duy nhất của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế.

- Quần áo, đồ dùng sinh hoạt thiết yếu của cá nhân và gia đình người bị cưỡng chế.

- Đồ dùng thờ cúng; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen.

2.2. Tài sản đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh

- Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ ăn giữa ca cho người lao động.

- Nhà trẻ, trường học và các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này, nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng; hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại.

- Nguyên - vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm là các hóa chất độc hại nguy hiểm không được phép lưu hành.

- Nguyên - vật liệu, bán thành phẩm đang nằm trong dây chuyền sản xuất khép kín.

2.3. Tài sản đối với cơ quan, tổ chức hoạt động bằng nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp

Các cơ quan, tổ chức trên bao gồm cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp hoạt động bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Đối với các chủ thể này thì không kê biên các tài sản được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước mà yêu cầu cơ quan, tổ chức đó có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ tài chính để thực hiện quyết định cưỡng chế.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có nguồn thu từ các hoạt động có thu hợp pháp khác thì kê biên các tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn thu đó để thực hiện quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, trừ các tài sản sau đây:

- Thuốc chữa bệnh, phương tiện, dụng cụ, tài sản thuộc cơ sở y tế, khám chữa bệnh, trừ trường hợp đây là các tài sản lưu thông để kinh doanh; lương thực, thực phẩm, dụng cụ, tài sản phục vụ việc ăn giữa ca cho cán bộ, công chức.

- Nhà trẻ, trường học, các thiết bị, phương tiện, đồ dùng thuộc các cơ sở này nếu đây không phải là tài sản lưu thông để kinh doanh của cơ quan, tổ chức.

- Trang thiết bị, phương tiện, công cụ bảo đảm an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống ô nhiễm môi trường.

- Trụ sở làm việc.

- Cơ sở hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng, an ninh, quốc phòng.

Trên đây là quy định về đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản cũng như những tài sản thuộc diện không được kê biên.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư