Áp dụng nguyên tắc nào khi xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:04 (GMT+7)

Các nguyên tắc cần tuân theo khi áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế cũng như tránh thất thu ngân sách, Nhà nước đặt ra các nguyên tắc khi xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế. Theo Điều 136 Luật Quản lý thuế năm 2019, có các nguyên tắc sau đây:

1. Nguyên tắc áp dụng luật để xử phạt vi phạm hành chính

- Thứ nhất, việc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.  Trong đó có Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Nghị định 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 hướng dẫn và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan khác.

- Thứ hai, vi phạm hành chính về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn không đúng quy định dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì không xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn mà bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

- Thứ ba, trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý thuế đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hình sự.

2. Nguyên tắc về mức xử phạt

Theo quy định tại Khoản 3,4 Luật Quản lý thuế năm 2019, mức phạt tiền được quy định chung như sau:

- Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 Luật Quản lý thuế năm 2019 và Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020.

- Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân, trừ mức phạt tiền đối với hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu, hành vi trốn thuế.

- Trường hợp người nộp thuế bị ấn định thuế trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế hoặc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế.

3. Trách nhiệm của người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm

Căn cứ vào Khoản 6 Điều 136 Luật Quản lý thuế năm 2019, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế có trách nhiệm lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định.

Trường hợp người nộp thuế đăng ký thuế, nộp hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế điện tử có thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, hồ sơ quyết toán thuế bằng phương thức điện tử, và xác định rõ hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế của người nộp thuế, thì thông báo này là biên bản vi phạm hành chính làm căn cứ ban hành quyết định xử phạt.

Quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế sẽ dễ dàng hơn cho việc áp dụng thực hiện trên thực tế, tránh việc áp dụng bị nhầm lẫn dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của người nộp thuế có hành vi vi phạm hay ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư