Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Trình bày về quản lý rủi ro và quản lý rủi ro trong đăng ký thuế

Để việc áp dụng quản lý rủi ro đạt hiệu quả cao, căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, tại thời điểm ra quyết định xác định danh sách người nộp thuế phân loại theo mức độ rủi ro trong từng thời kỳ, Nhà nước chia quản lý rủi ro theo từng đối tượng, từng trường hợp cụ thể để dễ áp dụng và quản lý. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày vấn đề áp dụng quản lý rủi ro về đăng ký thuế.

1. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là gì?

Có nhiều quan điểm trên thế giới và ở Việt Nam về khái niệm quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), quản lý rủi ro là “một quá trình quản lý mang tính hệ thống trong việc xác định, đánh giá, xếp hạng, và xử lý các loại rủi ro liên quan tới việc tuân thủ pháp luật thuế”.

Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Nguyễn Thị Thùy Dương vào năm 2017 được đăng trên tạp chí tài chính , quản lý rủi ro được hiểu là “quá trình tiếp cận rủi ro một cách khoa học, toàn diện và có hệ thống nhằm nhận dạng, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu những tổn thất, mất mát, những ảnh hưởng bất lợi của rủi ro đối với các nội dung quản lý để đạt được mục tiêu đặt ra.”

Tiếp thu những quan điểm, ý kiến trên, Luật Quản lý thuế năm 2019, tại Khoản 15 Điều 3 đưa ra định nghĩa về quản lý rủi ro trong quản lý thuế như sau:

“Điều 3

15. Quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ để xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan quản lý thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện pháp quản lý hiệu quả.”

2. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế

Đăng ký thuế theo quy định của Chương III Luật Quản lý thuế năm 2019 được hiểu là việc người nộp thuế kê khai với cơ quan quản lý thuế các thông tin định danh của mình trước khi bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc có phát sinh nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Đăng ký thuế căn cứ tại Điều 30 Luật Quản lý thuế năm 2019 bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế, thông báo khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc khôi phục mã số thuế.

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế được quy định tại Điều 16 Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 như sau:

Căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về đăng ký thuế, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

2.1. Trường hợp người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp

- Mức rủi ro cao

Cơ quan thuế nơi chuyển đi và cơ quan thuế nơi chuyển đến phối hợp thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành.

- Mức rủi ro trung bình

Cơ quan thuế nơi chuyển đến thực hiện đưa vào giám sát, đề nghị người nộp thuế giải trình bổ sung thông tin tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan thuế.

- Mức rủi ro thấp

Chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với trường hợp của người nộp thuế có rủi ro thuế ở mức thấp bởi khả năng gây thất thu ngân sách Nhà nước thấp.

Do đó cơ quan quản lý thuế sẽ lưu thông tin để thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật người nộp thuế, phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

2.2. Trường hợp người nộp thuế thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh

- Mức rủi ro cao

Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định, phù hợp với tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để xử lý kịp thời nợ thuế, hóa đơn, hành vi vi phạm (nếu có)

- Mức rủi ro trung bình và rủi ro thấp

Thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định.

Thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

2.3. Trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Trường hợp này cơ quan quản lý thuế sẽ ưu tiên theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống thấp để thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định.

Tiếp đó, cơ quan quản lý thuế cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định. Đồng thời áp dụng các biện pháp đôn đốc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động theo quy định.

2.4. Đối với trường hợp khác về đăng ký thuế

Cơ quan quản lý thuế thường xuyên rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao để xác định danh sách cần kiểm tra, xác minh tình trạng hoạt động tại địa điểm kinh doanh. Từ đó áp dụng các biện pháp quản lý sao cho hợp lý để tránh tối đa rủi ro có thể xảy đến cho việc thất thu ngân sách Nhà nước từ các hoạt động đăng ký thuế.

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế giúp cho chất lượng của hoạt động này được cải thiện, đảm bảo hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý thuế nói chung.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư