Biện pháp thu thập thông tin, khám giữ nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:42:01 (GMT+7)

Trình bày về hành vi trốn thuế, biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế và biện pháp khám giữ nơi cất giấu tài liệu.

Nhằm thực hiện tốt công tác thanh tra thuế, Nhà nước đặt ra các biện pháp áp dụng đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế và biện pháp khám giữ nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế.

1. Thế nào là hành vi trốn thuế

Hành vi trốn thuế được liệt kê trong Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019 bao gồm các hành vi như:

+ Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế.

+  Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán.

+ Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

+ Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,…

Và rất nhiều hành vi khác nữa. Tuy nhiên nhìn một cách chung nhất thì trốn thuế là hành vi thực hiện các phương thức mà pháp luật không cho phép để giảm số thuế phải nộp hoặc để trốn tránh hẳn nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Trốn thuế sẽ dẫn đến thất thu nghiêm trọng nguồn ngân sách nên cần được kiểm soát chặt chẽ.

2. Biện pháp thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế

Thu thập thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế được quy định trong Điều 121 Luật Quản lý thuế năm 2019 như sau:

- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc trả lời trực tiếp.

- Trong trường hợp được yêu cầu cung cấp thông tin bằng văn bản thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin đúng nội dung, thời hạn, địa chỉ được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp.

Nếu không thể cung cấp được thông tin được yêu cầu thì tổ chức, cá nhân phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trong trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin bằng trả lời trực tiếp thì người được yêu cầu cung cấp thông tin phải có mặt đúng thời gian, địa điểm ghi trong văn bản để cung cấp thông tin theo nội dung được yêu cầu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đã cung cấp.

Trường hợp cá nhân, tổ chức có thông tin liên quan đến hành vi trốn thuế không thể có mặt thì việc cung cấp thông tin được thực hiện bằng văn bản.

Lưu ý: Trong quá trình thu thập thông tin bằng trả lời trực tiếp, các thành viên của đoàn thanh tra phải lập biên bản làm việc và được ghi âm, ghi hình công khai.

3. Biện pháp khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế

Căn cứ tại Điều 123 Luật Quản lý thuế năm 2019, khám giữ nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế được quy định như sau:

- Thẩm quyền ra quyết định khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế thuộc về thủ trưởng cơ quan quản lý thuế.

Trong trường hợp nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế là nơi ở thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật để tránh vi phạm vào tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo Điều 158 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

- Việc khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật được tiến hành khi có căn cứ về việc cất giấu tài liệu, tang vật có liên quan đến hành vi trốn thuế.

- Khi khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải có mặt người chủ nơi bị khám và người chứng kiến.

Trong trường hợp người chủ nơi bị khám vắng mặt mà việc khám không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền cấp xã và 02 người chứng kiến. Quy định này nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động khám, xét của cơ quan quản lý thuế

- Không được khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế vào ban đêm, ngày lễ, ngày tết, khi người chủ nơi bị khám có việc hiếu, việc hỷ, trừ trường hợp phạm pháp quả tang và phải ghi rõ lý do vào biên bản.

Quy định về việc không khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật vào ban đêm để đảm bảo sức khỏe, tinh thần cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ khám xét cũng như quyền con người của chủ nơi bị khám. Đồng thời nếu khám xét vào thời gian này sẽ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh bởi ban đêm là thời gian nghỉ ngơi của mọi người.

- Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật liên quan đến hành vi trốn thuế đều phải có quyết định bằng văn bản và phải lập biên bản. Quyết định và biên bản khám nơi cất giấu tài liệu, tang vật phải được giao cho người chủ nơi bị khám 01 bản.

Các biện pháp áp dụng trong thanh tra thuế đối với trường hợp có dấu hiệu trốn thuế giúp phòng ngừa các hành vi này tốt hơn, quản lý thuế chặt chẽ hơn, tránh bị thâm hụt nguồn ngân sách Nhà nước.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư