Các nguyên tắc đánh thuế của Nhà nước là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:54 (GMT+7)

Trình bày các nguyên tắc đánh thuế mà Nhà nước đặt ra

Nguyên tắc là hệ thống các quan điểm, tư tưởng xuyên suốt toàn bộ hoặc một giai đoạn nhất định đòi hỏi các tổ chức và cá nhân phải tuân theo. Hoạt động dù thuộc lĩnh vực đời sống xã hội hay trong góc độ pháp lý thì cũng đều cần tuân theo những nguyên tắc nhất định để đạt được hiệu quả cao. Lĩnh vực thuế cũng không nằm ngoài mục tiêu này, vì thế Nhà nước đưa ra các nguyên tắc cụ thể để nâng cao hiệu quả quản lý thuế. Trong bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ đi sâu vào phân tích các nguyên tắc đánh thuế của Nhà nước.

1. Nguyên tắc đảm bảo công bằng

Công bằng là sự hợp lý, không bất công mà mỗi cá nhân hay tổ chức nhận được khi họ tham gia vào các quan hệ với tư cách ngang bằng nhau. Như vậy, nguyên tắc công bằng trong thuế là việc mọi đối tượng có năng lực chịu thuế đều phải nộp thuế, mọi đối tượng có điều kiện liên quan đến thuế như nhau được đối xử về thuế như nhau.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng áp thuế như nhau sẽ không công bằng do mỗi đối tượng chịu thuế có mức thu nhập và mức chi tiêu khác nhau. Để tránh trường hợp này, pháp luật về thuế đã có những quy định về áp dụng mức thuế suất khác nhau cho từng đối tượng. Thêm vào đó, ở những điều kiện nhất định chủ thể chịu thuế có thể được giảm thuế, thậm chí là miễn thuế.

Nguyên tắc công bằng là điều cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật nên pháp luật về thuế càng cần đảm bảo nguyên tắc này bởi nó sẽ tạo niềm tin, động lực cho các chủ thể tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh.

2. Nguyên tắc đánh thuế đảm bảo cân bằng lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế

Không có chủ thể nào muốn đóng số tiền thuế lớn vào ngân sách Nhà nướ, nên nếu như việc thu thuế quá lớn thì sẽ gây áp lực cho người lao động, cho doanh nghiệp và từ đó dẫn đến tình trạng trốn thuế. Khi người chịu thuế trốn thuế thì nguồn thu ngân sách Nhà nước không đảm bảo, lại không đủ vốn để thực hiện các hoạt động chi tiêu cần thiết cho hoạt động của Bộ máy Nhà nước cũng như thực hiện nhiệm vụ công. Thuế giống như mối quan hệ tác động hai chiều giữa người chịu thuế và Nhà nước. Vì vậy, Nhà nước phải cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng để đưa ra các khoản nộp thuế, mức thuế suất hợp lý nhất dựa trên tiêu chí tính những gì dân phải đóng góp chứ không phải tính những gì dân có thể đóng.

Việc cân bằng được lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế thể hiện ở chỗ vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách cho Nhà nước mà người nộp thuế không bị rơi vào tình cảnh khốn cùng. Nếu tổng số thuế phải nộp quá lớn sẽ khiến đời sống của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không được đảm bảo, từ đó năng suất lao động tạo ra sẽ kém hơn, đồng nghĩa với việc nền kinh tế có nguy cơ trì trệ, kém phát triển, mà kinh tế kém phát triển thì đất nước sẽ ngày càng nghèo nàn, lạc hậu đi.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng việc hài hòa lợi ích giữa người chịu thuế và Nhà nước là một vấn đề không hề dễ dàng và gây nhức đầu cho các nhà lập pháp, hành pháp trên thực tế.

3. Nguyên tắc đánh thuế phải đảm bảo dễ hiểu, đạt hiệu quả

Nội dung nguyên tắc này là việc ban hành một văn bản pháp luật về thuế, văn bản giải thích, hướng dẫn phải dễ hiểu, chi tiết, cụ thể để tất cả các đối tượng khi đọc đều có thể hiểu được thì họ mới có thể áp dụng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ quản lý thuế của mình được. Hơn thế nữa, tính dễ hiểu cần được hướng đến sự ổn định, lâu dài thì mới đạt hiệu quả cao được. Tránh việc quy định này trong khoảng thời gian này thì dễ áp dụng nhưng đến một vài năm sau lại gây khó hiểu.

4. Nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần

Nguyên tắc này phải đảm bảo rằng một đối tượng tính thuế không phải chịu một loại thuế nhiều lần. Điều này khác với việc một đối tượng chịu nhiều loại thuế. Ví dụ, doanh nghiệp A chuyên nhập khẩu ô tô nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam để bán thì doanh nghiệp A  phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt (vì ô tô thuộc vào loại các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt). Đây không bị coi là đánh thuế hai lần vì doanh nghiệp chỉ bị đánh nhiều loại thuế. 

Ví dụ về việc đánh thuế hai lần là: công ty bị đánh thuế vào thu nhập doanh nghiệp (lợi nhuận sau khi trừ đi chi phí được trừ), và các cổ đông bị đánh thuế một lần nữa vào cổ tức mà họ nhận từ lợi nhuận. Vậy lợi nhuận ở đây đã bị đánh thuế hai lần.

Để hạn chế việc đánh thuế hai lần, Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần DTAAs với 80 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2020.

Việc đề ra và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc đánh thuế mà Nhà nước đặt ra góp phần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý thuế.

Luật Hoàng Anh

 

 

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư