2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.[1] Theo đó, nghĩa vụ nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc cho cá nhân, tổ chức, hộ kinh doanh. Trong đó các cơ quan, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý thuế sẽ giúp Nhà nước thực hiện việc thu thuế, các khoản thu khác cũng như việc quản lý. Để việc quản lý thuế được hiệu quả, Nhà nước đặt ra các nguyên tắc quản lý thuế.
Quản lý là sự tác động của một chủ thể lên một đối tượng, một mục tiêu nhất định. Từ đó ta hiểu quản lý thuế là việc các chủ thể được giao nhiệm vụ quản lý thuế sẽ tổ chức, phân công cho các bộ phận, nhân sự để thực thi các chính sách thuế như thu thuế từ các chủ thể có nghĩa vụ nộp thuế, đảm bảo tiến độ của việc nộp thuế cũng như bảo quản, quản lý nguồn tiền sau khi thu thuế. Đồng thời quản lý thuế cũng là việc Nhà nước xác lập cơ chế, biện pháp sao cho quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế được bảo đảm và các cơ quan quản lý thuế hoạt động minh bạch, công tâm.
Có 03 mục tiêu mà công tác quản lý thuế cần đạt được:
- Đảm bảo kế hoạch thu ngân sách Nhà nước được thực hiện đầy đủ và kịp thời. Đây được coi là mục tiêu quan trọng nhất mà quản lý thuế hướng đến bởi nếu các chủ thể nộp thuế không đầy đủ thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách, đồng thời nếu nộp chậm thời gian thì quá trình hạch toán cũng sẽ ảnh hưởng, trì trệ. Qua đó chức năng thực hiện nhiệm vụ công của Nhà nước không được đảm bảo.
- Nâng cao ý thức chấp hành thuế. Mặc dù thuế là nghĩa vụ bắt buộc nhưng có không ít cá nhân chưa nhận thức được tầm quan trọng của thuế nên vẫn xảy ra tình trạng không kê khai để nộp thuế hay chậm nộp để các cán bộ thuế, cơ quan thuế phải nhắc nhở. Việc quản lý thuế tốt sẽ nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về thuế cho cá nhân, tổ chức.
- Đảm bảo thực thi pháp luật thuế.
Nguyên tắc quản lý thuế được quy định tại Điều 5 Luật Quản lý thuế năm 2019
“1. Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.
2. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
5. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.”
Theo như Điều này thì nguyên tắc quản lý thuế chú trọng vào việc yêu cầu các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh thực hiện nghĩa vụ thuế bắt buộc theo quy định của các luật thuế cụ thể khác nhau. Ví dụ doanh nghiệp, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh thì nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các nghị định, thông tư liên quan; các cá nhân thì thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân,…
Không chỉ đối với người nộp thuế mà chủ thể quản lý thuế cần phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Các khoản thu phục vụ cho mục đích công được công khai thì quá trình thu cũng cần công khai.
Việc quy định như thế nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho chủ thể nộp thuế cũng như niềm tin đối với Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách Nhà nước cho các hoạt động khác nhau. Thêm vào đó, trong thời đại công nghệ số phát triển vượt trội như hiện nay, việc cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc quản lý thuế là vô cùng quan trọng. Việc này vừa tiết kiệm thời gian cho cả người nộp thuế lẫn người thu thuế, vừa dễ dàng trong việc thống kê và kiểm soát. Ngoài ra, Nhà nước còn quy định về nguyên tắc rủi ro trong quản lý thuế để đảm bảo sự khách quan cũng như tính công bằng, hỗ trợ của Nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức phát sinh rủi ro trong quá trình nộp thuế.
Luật Hoàng Anh
[1] Quốc hội (2019) Luật Quản lý thuế, Khoản 1 Điều 3.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh