Chủ thể nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:54 (GMT+7)

Trình bày về những chủ thể phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp là nguồn thuế quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp lớn nhỏ ngày càng nhiều, hoạt động kinh doanh cũng ngày càng đa dạng theo từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Kinh doanh càng phát triển thì lợi nhuận càng cao, thuế đóng góp cho ngân sách cũng tăng lên. Vậy những chủ thể nào có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?

Căn cứ vào Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 ta có những chủ thể sau đây phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

1. Tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật này.

Những tổ chức này bao gồm:

Một là, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đó là các doanh nghiệp được thành lập bởi các cá nhân có đầy đủ quyền công dân, không bị rơi vào các trường hợp bị cấm thành lập doanh nghiệp (cán bộ, công chức, quân nhân chuyên nghiệp,…) hoặc tổ chức, cá nhân Việt Nam, nước ngoài có đầy đủ chứng minh nhân dân, hộ chiếu, không trong thời gian thi hành án tù hay đang bị truy nã, không mắc các bệnh tâm thần,… Thêm vào đó các doanh nghiệp cần có đủ các điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh.

Hai là, doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không tại Việt Nam. Các doanh nghiệp này khi thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam thì phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách Nhà nước của Việt Nam.

Ba là, tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã. Hợp tác xã không phải một loại hình doanh nghiệp nhưng hoạt động như một doanh nghiệp, trong đó các thành viên giúp đỡ nhau để thỏa mãn các nhu cầu kinh tế, xã hội,…nên cũng sẽ phát sinh lợi nhuận cho việc kinh doanh nên phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bốn là, đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đơn vị sự nghiệp là một loại hình tổ chức dịch vụ công nhưng khác với các chủ thể phụ trách dịch vụ hành chính công và dịch vụ công ích, các đơn vị sự nghiệp thường chỉ chịu trách nhiệm cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội. Các đơn vị sự nghiệp có thu phải đăng ký mã số thuế và thực hiện thủ tục lập hóa đơn.

Năm là, tổ chức khác có hoạt động kinh doanh, sản xuất có thu nhập. Yếu tố sản xuất kinh doanh và nguồn thu là hai yếu then chốt quyết định tới việc phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên bất kỳ tổ chức nào không nằm trong danh mục loại trừ, khi tiến hành một trong hai hoạt động trên và có thu nhập, có lãi thì sẽ phải đóng thuế.

2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013.

Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác (thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ,…). Những doanh nghiệp trên phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể tại các Khoản a,b,c,d Điều 2 Luật này:

“a) Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

b) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

c) Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

d) Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.”

3. Các cơ sở thường trú của doanh nghiệp nước ngoài là cơ sở sản xuất kinh doanh mà thông qua đó doanh nghiệp nước ngoài tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam

Các cơ sở này bao gồm:

Một là, chi nhánh, văn phòng điều hành, nhà máy, công xưởng, phương tiện vận tải, mỏ dầu, mỏ khí, mỏ hoặc địa điểm khai thác tài nguyên khác của Việt Nam. Nguồn tài nguyên được khai thác ở Việt Nam không những bị áp thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn áp dụng mức thuế suất cao hơn, khoảng 32% đến 50% tùy thuộc vào điều kiện và trữ lượng khai thác.

Hai là, địa điểm xây dựng, công trình xây dựng, lắp đặt, lắp ráp.

Ba là, cơ sở cung cấp dịch vụ, bao gồm cả dịch vụ tư vấn thông qua người làm công hoặc tổ chức, cá nhân khác. Đây không phải một hoạt động sản xuất nhưng việc cung cấp dịch vụ cũng là một loại kinh doanh và sẽ tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ ấy nên doanh nghiệp sẽ vẫn phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bốn là, đại lý cho doanh nghiệp nước ngoài. Đại lý là một hoạt động thương mại mà ở đó bên đại lý sẽ nhân danh chính mình để mua, bán hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao địa lý cho khách hàng và hưởng thù lao từ hoạt động này nên đương nhiên phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Năm là, đại diện Việt Nam trong trường hợp là đại diện có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài hoặc đại diện không có thẩm quyền ký kết hợp đồng đứng tên doanh nghiệp nước ngoài nhưng thường xuyên thực hiện việc giao hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Trên đây là các chủ thể chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật được tổng hợp và phân tích chi tiết, cụ thể bởi Luật Hoàng Anh.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư