Nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:59 (GMT+7)

Trình bày các nguyên tắc khi tiến hành kiểm tra thuế, thanh tra thuế

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế (Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019). Để đảm bảo nghĩa vụ thuế được thực hiện nghiêm chỉnh, hiệu quả, tránh thất thu ngân sách, Nhà nước đề ra việc kiểm tra, thanh tra thuế nhằm giám sát chất lượng quản lý thuế. Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ trình bày các nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế.

Căn cứ vào Điều 107 Luật Quản lý thuế năm 2019, có 04 nguyên tắc kiểm tra, thanh tra thuế.

1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra thuế, thanh tra thuế

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 được hiểu là:

“Điều 3

1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc ứng dụng các quy trình nghiệp vụ, các nguyên tắc, biện pháp, kỹ thuật về quản lý rủi ro và kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế để quyết định thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý thuế.”

Theo đó có thể hiểu việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm ứng dụng các phương pháp đánh giá mức độ tuân thủ hay các nguyên tắc quản lý rủi ro để quyết định thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý thuế, từ đó giúp cho việc kiểm tra cũng như thanh tra thuế đạt hiệu quả cao.

2. Tuân thủ quy định của Luật Quản lý thuế năm 2019, quy định khác của pháp luật có liên quan và mẫu biểu thanh tra, kiểm tra, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính

Theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 06/2021/TT-BTC ngày 22/1/2021 của Bộ Tài chính, mẫu biểu, trình tự, thủ tục, hồ sơ kiểm tra, thanh tra thuế bao gồm:

+  Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế trong thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế.

+ Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế.

+ Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế.

+ Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng giảm thuế.

+ Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng hoàn thuế, không thu thuế.

+ Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với trường hợp xử lý tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa.

+  Mẫu biểu, hồ sơ, thủ tục kiểm tra thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong hoạt động kiểm tra sau thông quan.

3. Không cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế

Việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế hướng tới theo dõi, kiểm tra, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế tuy nhiên không được cản trở hoạt động bình thường của người nộp thuế. Bởi nếu việc thanh tra thuế dẫn đến gián đoạn hoạt động của người nộp thuế thì sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành nghĩa vụ thuế của họ, gián tiếp dẫn tới chậm hoàn thành việc nộp thuế gây giảm hiệu quả công tác quản lý thuế.

Thêm vào đó, việc gây cản trở hoạt động của người nộp thuế thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong công tác kiểm tra của cơ quan quản lý thuế.

4. Khi kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định kiểm tra, thanh tra

Đối với chủ thể nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tê, hộ, cá nhân kinh doanh,… (thuế thu nhập doanh nghiệp) có trụ ở làm việc thì cơ quan quản lý thuế tiến hành việc kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở làm ghi trên hồ sơ đăng ký thuế nộp cùng với hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Để không bị ảnh hưởng hay làm gián đoạn việc kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp, cơ quan quản lý thuế cần ra quyết định kiểm tra, thanh tra thuế gửi đến doanh nghiệp trước khi tiến hành nhiệm vụ của mình.

Mục đích của việc kiểm tra, thanh tra thuế

Theo Khoản 5 Điều 107 Luật Quản lý thuế năm 2019, việc kiểm tra thuế, thanh tra thuế nhằm các mục đích sau:

Thứ nhất, đánh giá tính đầy đủ, chính xác, trung thực nội dung các chứng từ, thông tin, hồ sơ mà người nộp thuế đã khai, nộp, xuất trình với cơ quan quản lý thuế.

Thứ hai, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về thuế và quy định khác của pháp luật có liên quan của người nộp thuế để xử lý về thuế theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc kiểm tra thuế, thanh tra thuế tạo dựng hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc quản lý, đánh giá quá trình hoàn thành nghĩa vụ thuế của người nộp thuế đối với Nhà nước.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư