Nguyên tắc và căn cứ ấn định thuế?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

Bài viết phân tích nguyên tắc ấn định thuế và căn cứ của việc ấn định thuế.

“Ấn định thuế” chưa được giải nghĩa cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật nào về lĩnh vực thuế. Tuy nhiên có thể hiểu “ấn định thuế” là việc cơ quan có thẩm quyền ấn định một mức thuế nhất định mà người nộp thuế phải đóng khi có hành vi vi phạm việc khai thuế, tính thuế. Các trường hợp bị ấn định thuế đều phải dựa trên những nguyên tắc nhất định và có căn cứ để xác định. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vấn đề này nhé!

1. Nguyên tắc ấn định thuế

Nguyên tắc, dưới góc độ ngôn ngữ là những quan điểm mang tính định hướng được thể hiện xuyên suốt một quá trình, đòi hỏi cá nhân, tổ chức phải tuân theo.

Nguyên tắc ấn định thuế được quy định tại Điều 49 Luật Quản lý thuế 2019, ban hành ngày 13 tháng 6 năm 2019, theo đó khi ấn định thuế cho người nộp thuế, cơ quan có thẩm quyền phải tuân theo 02 nguyên tắc sau:

Một là, Ấn định thuế phải dựa trên các nguyên tắc quản lý thuế, căn cứ tính thuế, phương pháp tính thuế theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan.

Hai là, Cơ quan quản lý thuế ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ấn định từng yếu tố, căn cứ tính thuế để xác định số tiền thuế phải nộp.

2. Căn cứ ấn định thuế

Cơ quan có thẩm quyền ấn định thuế là dựa vào Khoản 2 Điều 50 Luật Quản lý thuế 2019Điều 15 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế 2019, ban hành ngày 19 tháng 10 năm 2020. Theo đó, có các căn cứ sau để ấn định thuế

Thứ nhất, Người nộp thuế bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu theo quy định của pháp luật, như sau:

a) Chủ thể bị ấn định thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu:

Người nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai bị ấn định số tiền thuế phải nộp theo tỷ lệ trên doanh thu khi thuộc một trong các trường hợp bị ấn định thuế tại Điều 14 Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

b) Căn cứ ấn định thuế

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; doanh thu tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương; trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác có cùng điều kiện tự nhiên và phát triển kinh tế để thực hiện ấn định doanh thu tính thuế.

Trên cơ sở doanh thu đã ấn định, cơ quan thuế xác định số thuế phải nộp theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.

Thứ hai, Người nộp thuế bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp.

a) Chủ thể là cá nhân, tổ chức bị ấn định từng yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp trong các trường hợp:

Một là, Qua kiểm tra hồ sơ khai thuế, cơ quan thuế có căn cứ cho rằng người nộp thuế khai chưa đầy đủ hoặc chưa chính xác các yếu tố làm cơ sở xác định số tiền thuế phải nộp, đã yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung nhưng người nộp thuế không khai bổ sung hoặc khai bổ sung không chính xác, trung thực theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Hai là, Có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp thông qua kiểm tra sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp của người nộp thuế.  Hoặc có cơ sở chứng minh người nộp thuế hạch toán không chính xác, không trung thực các yếu tố liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp qua kiểm tra, đối chiếu, xác minh sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Ba là, Hạch toán giá bán hàng hóa, dịch vụ không đúng với giá thực tế thanh toán làm giảm doanh thu tính thuế. Hoặc hạch toán giá mua hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh không theo giá thực tế thanh toán phù hợp với thị trường làm tăng chi phí, tăng thuế giá trị gia tăng được khấu trừ, giảm nghĩa vụ thuế phải nộp.

Bốn là, Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế nhưng không xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế hoặc có xác định được các yếu tố làm cơ sở xác định căn cứ tính thuế nhưng không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

b) Căn cứ ấn định thuế

Đối với người nộp thuế là tổ chức:

Căn cứ cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế và cơ sở dữ liệu thương mại; tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực; kết quả xác minh; số tiền thuế phải nộp bình quân tối thiểu của 03 cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành, nghề, quy mô tại địa phương.

Trường hợp tại địa phương, cơ sở kinh doanh không có hoặc có nhưng không đủ thông tin về mặt hàng, ngành, nghề, quy mô cơ sở kinh doanh thì lấy thông tin của cơ sở kinh doanh tại địa phương khác để thực hiện ấn định theo từng yếu tố.

Đối với cá nhân chuyển nhượng, nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản:

Cơ quan thuế ấn định giá tính thuế trong trường hợp xác định được cá nhân kê khai, nộp thuế với giá tính thuế thấp hơn so với giá giao dịch thông thường trên thị trường. Giá tính thuế do cơ quan thuế ấn định phải đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thông thường trên thị trường nhưng không thấp hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định tại thời điểm xác định giá tính thuế.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư