2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, Nhà nước đặt ra các biện pháp cưỡng chế hành chính trong đó có biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Vậy có trường hợp nào được tạm dừng áp dụng biện pháp này hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đối với các trường hợp sau đây:
- Trường hợp không áp dụng được các biện pháp sau:
+ Biện pháp trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác; phong tỏa tài khoản.
Trong đó, quyết định hành chính về quản lý thuế được quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này bao gồm: “Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế; các thông báo ấn định thuế, quyết định ấn định thuế; thông báo tiền thuế nợ; quyết định thu hồi hoàn; quyết định gia hạn; quyết định nộp dần; quyết định chấm dứt hiệu lực của quyết định khoanh tiền thuế nợ; quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế; quyết định về bồi thường thiệt hại; quyết định hành chính về quản lý thuế khác theo quy định của pháp luật”.
+ Biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.
- Trường hợp đã áp dụng các biện pháp trên mà vẫn không thu đủ tiền thuế nợ vào ngân sách Nhà nước.
- Trường hợp cơ quan thuế đề nghị áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Căn cứ vào Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020, người nộp thuế được tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Không còn nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt của các lô hàng khác.
- Người nộp thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng đối với lô hàng đang làm thủ tục hải quan.
Giải phóng hàng hóa quy định tại Điều 36 Luật Hải quan năm 2014 được hiểu là việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa.
- Số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt người nộp thuế đang còn nợ phải được bảo lãnh theo quy định.
Bảo lãnh căn cứ vào Khoản 1 Điều 355 Bộ luật Dân sự năm 2015 được hiểu là:
“Điều 355
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.”
Theo đó, chỉ khi có một bên thứ ba nhận trách nhiệm thực hiện thay nghĩa vụ nộp thuế đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì người nộp thuế mới được tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.
Căn cứ vào Khoản 6 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, hồ sơ, trình tự và thẩm quyền giải quyết việc tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan được quy định như sau:
- Người nộp thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan gửi văn bản đề nghị tạm dừng áp dụng biện pháp này kèm theo thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng đối với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ đến Cục Hải quan nơi phát sinh khoản nợ bị cưỡng chế.
- Cục Hải quan nơi người nộp thuế có khoản nợ bị cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ. Sau đó, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Cục thuế báo cáo, đề xuất gửi Tổng cục Hải quan đề nghị xin tạm dừng áp dụng biện pháp của người nộp thuế.
Trường hợp hồ sơ người nộp thuế nộp chưa đầy đủ thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ phải thông báo cho người nộp thuế biết, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Tổng cục Hải quan căn cứ vào các tiêu chí ở Khoản 5 Điều 33 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để xem xét người nộp thuế có đủ điều kiện được tạm dừng áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan hay không.
Tiếp đó Tổng cục Hải quan lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan (nếu có) và báo cáo Bộ Tài chính trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính xem xét, giải quyết tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với từng trường hợp cụ thể.
- Cơ quan hải quan nơi ban hành quyết định cưỡng chế căn cứ văn bản của Bộ Tài chính để tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan.
Trường hợp kết thúc thời gian tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan mà người nộp thuế không thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước thì bị xử phạt.
- Văn bản tạm dừng áp dụng biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan thực hiện theo Mẫu số 03-1/CC tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.
Có thể thấy quy định về việc tạm dừng cưỡng chế áp dụng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan tạo điều kiện cho người nộp thuế có thể hoàn thành phần nghĩa vụ còn thiếu mà không bị ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh,.. của mình.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh