Xử lý số tiền thuế, tiền nộp chậm, tiền nộp phạt thừa như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:50 (GMT+7)

các cách xử lý tiền thuế, tiền nộp chậm, tiền nộp phạt bị thừa

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp do thay đổi về thu nhập tính thuế cũng như lợi nhuận từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người nộp thuế đã nộp thừa số thuế phải nộp hay số tiền chậm nộp. Trong các tình huống đó, cơ quan quản lý thuế phải giải quyết như thế nào? Bài viết sau đây của Luật Hoàng Anh sẽ giải đáp thắc mắc cho quý bạn đọc.

Việc xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thừa được quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019, số 38/2019/QH14.

1. Số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp

Người nộp thuế có số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp thì được bù trừ số tiền này với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ hoặc trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo.

Nếu người nộp thuế không còn nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì được hoàn trả số tiền đã nộp thừa.

Trường hợp người nộp thuế đề nghị bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ thì không tính tiền chậm nộp tương ứng với khoản tiền bù trừ trong khoảng thời gian từ ngày phát sinh khoản nộp thừa đến ngày cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ.

2. Trường hợp người nộp thuế yêu cầu hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

Để được giải quyết yêu cầu hoàn trả, người nộp thuế cần gửi văn bản yêu cầu hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa lên cơ quan quản lý thuế trực tiếp.

Đối với trường hợp này, cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa hoặc có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu.

3. Không hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa

Cơ quan quản lý thuế không hoàn trả số tiền thuế và thực hiện thanh khoản số tiền nộp thừa trên sổ kế toán, trên hệ thống dữ liệu điện tử trong các trường hợp sau đây:

Một là, Cơ quan quản lý thuế đã thông báo cho người nộp thuế về số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa được hoàn trả nhưng người nộp thuế từ chối nhận lại số tiền nộp thừa. Việc từ chối phải được lập thành văn bản cũng như thông báo không hoàn trả phải được gửi bằng văn bản.

Hai là, Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, đã được cơ quan quản lý thuế thông báo về số tiền nộp thừa trên phương tiện thông tin đại chúng mà sau 01 năm kể từ ngày thông báo, người nộp thuế không có phản hồi bằng văn bản yêu cầu hoàn trả tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với cơ quan quản lý thuế;

Ba là, đã quá thời hạn 10 năm kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước mà người nộp thuế không bù trừ nghĩa vụ thuế và không hoàn thuế đối với số tiền nộp thừa của mình.

4. Trường hợp người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh có tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa và tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ

Trong trường hợp này, căn cứ vào Khoản 4 Điều 60 Luật Quản lý thuế 2019 thì cơ quan quản lý thuế thực hiện bù trừ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ để đảm bảo quyền lợi được bù trừ cho người nộp thuế cũng như để căn bằng nguồn thu thuế cho nhà nước.

Luật Hoàng Anh  

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư