Dịch vụ tư vấn về phá sản doanh nghiệp

Thứ ba, 31/01/2023, 16:41:49 (GMT+7)

MỤC LỤC

MỤC LỤC

Phá sản doanh nghiệp là một trong những thủ tục đòi nợ và thanh toán đặc biệt bởi xuất phát từ bản chất của hoạt động này là tiến hành thủ tục phá sản với mục đích chính nhằm giải thoát con nợ khỏi các khoản nợ không có khả năng chi trả, đồng thời tạo điều kiện để chủ nợ thu hồi một phần hoặc toàn bộ số nợ khó đòi. Và bài viết dưới đây sẽ đưa đến cho Quý khách hàng những nội dung cơ bản về dịch vụ phá sản doanh nghiệp.

Dịch vụ tư vấn về phá sản doanh nghiệp

Phá sản là một khái niệm luật định, được quy định trong Khoản 2, Điều 4, Luật Phá sản, theo đó: Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.

Như vậy, từ quy định này, chúng ta có thể thấy rằng, Luật phá sản được áp dụng khi giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khi doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Nếu như Quý Khách hàng có mong muốn tìm hiểu sâu về phá sản cũng như có nhu cầu về giải đáp các câu hỏi như:

- Ai là người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

- Khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải thông báo đến ai?

- Quy định pháp luật về đơn và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là gì?

- Việc mở thủ tục phá sản được tiến hành như thế nào?

- Những nghĩa vụ về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi tiến hành phá sản bao gồm những nghĩa vụ gì?

- Có bao nhiêu biện pháp bảo toàn tài sản được áp dụng trong việc giải quyết trường hợp phá sản?

- Thủ tục phục hồi hoạt động kunh doanh được tiến hành như thế nào?

- Thủ tục rút gọn đối với tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản? …

Và rất nhiều vấn đề pháp lý khác nếu có thắc mắc khác liên quan đến phá sản thì hãy để chúng tôi, Luật Hoàng Anh – đơn vị tư vấn pháp luật chuyên nghiệp – giải đáp, trả lời cho các câu hỏi trên, và cung cấp dịch vụ tốt nhất, đảm bảo nhất trong việc tư vấn nội dung về phá sản doanh nghiệp cho Quý Khách hàng.

1. Nội dung tư vấn về phá sản doanh nghiệp

1.1 Trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Bao gồm:

- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.

- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Như vậy, đối tượng thực hiện thủ tục phá sản bao gồm: - Chủ nợ - Ngư­ời lao động trong trư­ờng hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không trả đ­ược l­ương, các khoản nợ khác cho ngư­ời lao động - Chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nư­ớc - Các cổ đông công ty cổ phần - Thành viên hợp danh công ty hợp danh. - Doanh nghiệp, Hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.

Bước 2: Tòa án nhận đơn

- Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Tòa án xem xét đơn, nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.

- Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn.

- Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn.

- Tòa án nhân dân tỉnh nhận đơn và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp; Hợp tác xã theo Luật hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh thành phố.

- Toà án nhân dân huyện, thành phố có thẩm quyền nhận đơn và giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với hợp tác xã đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, thành phố đó.

Bước 3: Tòa án thụ lý đơn

Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

- Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (sau đây gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

- Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.

- Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

- Mức lệ phí phá sản được quy định hiện nay là 1.500.000 VNĐ. Tiền tạm ứng chi phí phá sản sẽ do tòa án nhân dân quyết định dựa trên tình hình thực tế của doanh nghiệp và sẽ được thông báo sau khi nộp đơn yêu cầu phá sản

Sau đó, Tòa án ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản (trừ trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản theo thủ tục rút gọn). 

Bước 4: Mở thủ tục phá sản

- Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản Tòa án phải gửi thông báo đến những người liên quan.

- Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng...

- Đặc biệt sẽ kiểm kê lại tài sản, lập danh sách chủ nợ; lập danh sách người mắc nợ…
- Ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản: 30 ngày kể từ ngày toà án thụ lý hồ sơ.

- Niêm yết danh sách chủ nợ, người mắc nợ: 60 ngày kể từ ngày toà án ra quyết định mở thủ tục phá sản.

- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại danh sách chủ nợ: 15 ngày kể từ ngày niêm yết.

- Hội nghị chủ nợ: 15 ngày kể từ ngày khoá sổ danh sách chủ nợ.

Bước 5: Hội nghị chủ nợ

Triệu tập Hội nghị chủ nợ:

- Tiến hành hội nghị chủ nợ lần thứ nhất: Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02.

- Tiến hành hội nghị chủ nợ lần thứ hai.

Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra một trong các kết luận sau:

- Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản;

- Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;

- Đề nghị tuyên bố phá sản.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

- Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản. 

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản

- Thanh lý tài sản phá sản;

- Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

1.2 Xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản

a. Về nghĩa vụ về tài sản trong quá trình giải quyết phá sản

- Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán gồm:

+ Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản;

+ Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản;

+ Giá trị của tài sản bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm;

+ Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai;

+ Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu;

+ Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

- Tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh mất khả năng thanh toán gồm:

+ Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán

+ Tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh; trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.

+ Trường hợp hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì việc xử lý tài sản không chia được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác xã.

- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải tiến hành kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản đó; trong trường hợp cần thiết thì phải có văn bản đề nghị Thẩm phán gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. Việc xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phải được thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã vắng mặt thì người được Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản chỉ định làm đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện công việc kiểm kê và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

b. Biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản

Các giao dịch bị coi là vô hiệu

- Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được thực hiện trong thời gian 06 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản bị coi là vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường;

+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn;

+ Tặng cho tài sản;

+ Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán quy định được thực hiện với những người liên quan trong thời gian 18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản thì bị coi là vô hiệu.

- Những người liên quan được quy định bao gồm:

+ Công ty mẹ, người quản lý công ty mẹ và người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý đối với công ty con;

+ Công ty con đối với công ty mẹ; doanh nghiệp do hợp tác xã thành lập đối với hợp tác xã;

+ Người hoặc nhóm người có khả năng chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;

+ Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã đối với doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Vợ, chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc của thành viên, cổ đông sở hữu phần vốn góp hay cổ phần chi phối;

+ Cá nhân được ủy quyền đại diện cho những người quy định

+ Doanh nghiệp trong đó những người quy định và có sở hữu đến mức chi phối việc ra quyết định của cơ quan quản lý ở doanh nghiệp đó;

+ Nhóm người thỏa thuận cùng phối hợp để thâu tóm phần vốn góp, cổ phần hoặc lợi ích ở công ty hoặc để chi phối việc ra quyết định của công ty.

- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm xem xét giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, nếu phát hiện giao dịch quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì đề nghị Tòa án nhân dân xem xét tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu xét thấy việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc chưa được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã thì chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp xử lý các khoản nợ có bảo đảm theo quy định pháp luật

- Văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng quy định phải có nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm; Tên, địa chỉ của người có yêu cầu; Số, tên hợp đồng; ngày, tháng, năm giao kết hợp đồng; Bên giao kết với doanh nghiệp, hợp tác xã trong hợp đồng; Nội dung cụ thể của hợp đồng; Căn cứ của việc yêu cầu tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, nếu chấp nhận thì Tòa án nhân dân ra quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng; nếu không chấp nhận thì thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu biết.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, Tòa án nhân dân phải xem xét các hợp đồng bị tạm đình để ra một trong các quyết định sau:

+ Tiếp tục thực hiện hợp đồng nếu việc thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực và đang được thực hiện hoặc nếu được thực hiện sẽ không gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Đình chỉ thực hiện hợp đồng và giải quyết hậu quả theo quy định.

- Trường hợp Tòa án nhân dân quyết định không mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân đã quyết định tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng thì ra quyết định hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ.

c. Áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời

- Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền tiến hành thủ tục phá sản ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động sau đây:

+ Cho bán hàng hóa dễ bị hư hỏng, hàng hóa sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hóa không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hóa khác;

+ Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ;

+ Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

+ Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán;

+ Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định;

+ Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của pháp luật.

- Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có văn bản yêu cầu gửi đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Văn bản yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải có các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm; Tên, địa chỉ của người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Tên, địa chỉ của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.

- Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án nhân dân chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

- Thủ tục áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, giải quyết đề nghị xem xét lại việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và thi hành quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời thực hiện theo quy định của Luật phá sản, pháp luật về tố tụng dân sự và pháp luật về thi hành án dân sự.

1.3 Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

a. Điều kiện áp dụng

- Sau khi thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết của hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thủ tục phục hồi được áp dụng.

- Nội dung phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, nêu rõ các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ. Các biện pháp để phục hồi hoạt động kinh doanh gồm có: Huy đông vốn, giảm nợ, miễn nợ, hoãn nợ, thay ddooori mặt hàng sản xuất, kinh doanh; đổi mới công nghệ sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý; sát nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; tổ chức lại bộ máy quản lý; sát nhập hoặc chia tách bộ phận sản xuất; bán cổ phần cho chủ nợ và những người khác; bán hoặc cho thuê tài sản không cần thiết; các biện pháp khác không trái với quy định của pháp luật.

b. Xem xét thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh

- Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh và gửi cho Thẩm phán, chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh toán tài sản.

+ Chủ nợ, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh toán tài sản phải gửi ý kiến về phương án phục hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã để hoàn thiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh báo cáo quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh toán tài sản.

- Thẩm phán xem xét phương án ra hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.

+ Thẩm phán triệu tập hội nghị chủ nợ, chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh để xem xét, thông qua phương án phục hồi kinh doanh.

+ Điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ lần hai cũng tương tự như điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ lần đầu.

c. Công nhận nghị quyết về phương án phục hồi và giám sát thực hiện phương án phục hồi

- Thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Nghị quyết này có hiệu lực đối với tất cả người tham gia thủ tục phá sản có liên quan.

Kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thì những điều cấm, chịu sự giám sát đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã chấm dứt.

- Tòa án nhân dân gửi quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

- Sau khi Thẩm phán ra quyết định công nhận nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chủ nợ giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.

- Sáu tháng một lần, doanh nghiệp, hợp tác xã phải lập báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có trách nhiệm báo cáo Thẩm phán và thông báo cho chủ nợ.

d. Thời hạn thực hiện phương án phục hồi kinh doanh

- Thời hạn để thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

- Trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

e. Đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh

- Thẩm phán ra quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã đã thực hiện xong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. thì doanh nghiệp, hợp tác xã được coi là không còn mất khả năng thanh toán. Thẩm phán phụ trách giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản có trách nhiệm ra thông báo bằng văn bản về việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

+ Hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán, Thẩm phán ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

- Tòa án nhân dân thông báo công khai quyết định đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã

1.4 Tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

a. Tuyên bố phá sản

- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết của Hội nghị chủ nợ đề nghị tuyên bố phá sản thì Tòa án nhân dân xem xét quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

- Sau khi Hội nghị chủ nợ thông qua nghị quyết có nội dung áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản:

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không xây dựng được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh trong thời hạn quy định;

+ Hội nghị chủ nợ không thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

+ Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải thông báo; đồng thời gửi trích lục tuyên bố phá sản trong trường hợp quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có nội dung cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã cho Sở Tư pháp nơi Tòa án nhân dân có trụ sở.

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân phải gửi quyết định cho cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp, hợp tác xã trong sổ đăng ký kinh doanh; trong trường hợp Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định giải quyết đề nghị xem xét lại, kiến nghị thì thời hạn có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định.

b. Thi hành quyết định tuyên bố phá sản

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành, phân công Chấp hành viên thi hành quyết định tuyên bố phá sản.

- Sau khi nhận được quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên thực hiện các nhiệm vụ sau:

+ Mở một tài khoản tại ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành quyết định tuyên bố phá sản để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;

+ Giám sát Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản;

+ Thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

+ Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản về kết quả thanh lý tài sản, Chấp hành viên thực hiện phương án phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.

2. Phạm vi cung cấp dịch vụ và phương thức liên lạc

Phạm vi cung cấp dịch vụ: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Khi cần thực hiện dịch vụ, Quý Khách hàng có thể liên lạc với Luật Hoàng Anh qua những phương thức tư vấn sau:

- Tư vấn qua điện thoại: Quý Khách hàng vui lòng gọi điện thoại đến số hotline: 0908 308 123 để được Luật sư tư vấn qua điện thoại.

- Tư vấn qua thư điện tử (email): Quý Khách hàng vui lòng gửi email cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có) đến địa chỉ thư điện tử luatsu@luathoanganh.vn để được tư vấn, phản hồi qua thư điện tử.

- Tư vấn qua văn bản: Quý Khách hàng vui lòng gửi email cùng các hồ sơ, tài liệu liên quan (nếu có) đến địa chỉ thư điện tử luatsu@luathoanganh.vn. Luật Hoàng Anh sẽ soạn thảo văn bản, ký bởi luật sư phụ trách, đóng dấu Công ty Luật và gửi bản cứng đến địa chỉ của Quý Khách hàng. Quý Khách hàng có thể sử dụng văn bản tư vấn của Luật Hoàng Anh trong quá trình làm việc với đối tác, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc các bên liên quan.

- Tư vấn trực tiếp: Quý Khách hàng vui lòng gọi điện thoại đến số hotline: 0908 308 123 đặt lịch hẹn gặp Luật sư tại văn phòng để được tư vấn trực tiếp.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư