Quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự được pháp luật quy định như thế nào?

Thứ hai, 12/06/2023, 09:31:40 (GMT+7)

Bài viết sau đây trình bày những quy định của pháp luật về sự phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự.

Hiện nay, tội phạm ngày càng tinh vi và có mặt ở khắp mọi nơi. Để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và điều tra những vụ án hình sự nhằm bảo đảm trật tự xã hội và thượng tôn pháp luật đòi hỏi các cơ quan, ban ngành đoàn thể cũng như các cá nhân, tổ chức phải phối hợp trong hoạt động điều tra hình sự. Vậy Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định như thế nào về quan hệ phân công và phối hợp trong hoạt động điều tra Hình sự, cùng tham khảo bài viết dưới đây của Luật Hoàng Anh.

Căn cứ pháp lý

- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

- Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015.

Điều tra hình sự là gì?

Điều tra hình sự là giai đoạn trong tố tụng hình sự, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội  và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án.

Để thu thập chứng cứ, trong giai đoạn điều tra, cơ quan có thẩm quyền điều tra được tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Nếu không có hoạt động điều tra Viện kiểm sát không cớ cơ sở để truy tố, tòa án không có cơ sở để xét xử vụ án. Để Viện kiểm sát có thể truy tố đúng người phạm tội, tòa án xét xử đúng tội, đúng pháp luật thì trước đó giai đoạn điều tra phải thu thập đầy đủ chứng cứ. Nếu giai đoạn điều tra không thu thập đầy đủ chứng cứ hoặc việc thu thập chứng cứ vi phạm thủ tục tố tụng thì viện kiểm sát hoặc tòa sẽ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Nguyên tắc tổ chức Điều tra hình sự

Tổ chức điều tra hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ; Điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

- Cơ quan Điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan Điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

- Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

Quan hệ giữa các cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

Điều 40 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định:

- Quan hệ giữa các cơ quan điều tra, giữa Cơ quan điều tra với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, giữa các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là quan hệ phân công và phối hợp. Có nghĩa là các cơ quan phân công, phối hợp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ cũng như để kết quả điều tra nhanh chóng mà chính xác nhất.

- Cơ quan điều tra có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra đối với cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện yêu cầu bằng văn bản của Cơ quan điều tra.

- Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan đã chuyển giao hồ sơ vụ án.

- Đối với sự việc có dấu hiệu phạm tội mà chưa xác định rõ thẩm quyền điều tra thì Cơ quan điều tra nào phát hiện trước phải áp dụng ngay các hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 ; khi đã xác định được thẩm quyền điều tra thì chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sau khi khởi tố vụ án hình sự, áp dụng biện pháp ngăn chặn theo thẩm quyền phải gửi ngay các quyết định đó cho Viện kiểm sát và thông báo cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền biết.

- Các đơn vị Cảnh sát nhân dân, An ninh nhân dân, Kiểm soát quân sự có trách nhiệm hỗ trợ và thực hiện yêu cầu của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên và của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong hoạt động điều tra.

Ủy thác điều tra

Khi cần thiết, Cơ quan điều tra có thể ủy thác cho Cơ quan điều tra khác tiến hành một số hoạt động điều tra. Quyết định ủy thác phải ghi rõ yêu cầu cụ thể. Cơ quan điều tra được ủy thác có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những việc được ủy thác theo thời hạn mà Cơ quan điều tra ủy thác yêu cầu.

Trong trường hợp Cơ quan điều tra được ủy thác không thể thực hiện được từng phần hoặc toàn bộ những việc ủy thác thì phải thông báo ngay bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã ủy thác biết.

Quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát

- Quan hệ giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát là quan hệ phối hợp, hỗ trợ trong phát hiện, ngăn chặn, điều tra, xử lý và phòng ngừa tội phạm.

- Trong quan hệ với đơn vị điều tra, đơn vị trinh sát có trách nhiệm sau đây:

+ Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và cung cấp thông tin cho đơn vị điều tra để điều tra, xử lý;

+ Áp dụng biện pháp nghiệp vụ để hỗ trợ đơn vị điều tra tiến hành hoạt động điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngăn chặn tội phạm và truy bắt người phạm tội;

+ Áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao;

+ Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục;

+ Áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để hạn chế, loại trừ nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, vi phạm pháp luật.

Trong quan hệ với đơn vị trinh sát, đơn vị điều tra có trách nhiệm sau đây:

+ Cung cấp thông tin về tội phạm và người phạm tội cho đơn vị trinh sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định;

+ Phối hợp với đơn vị trinh sát đánh giá, xác định những sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế để kiến nghị với cơ quan, tổ chức hữu quan có biện pháp khắc phục;

+ Đánh giá nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, phương thức, thủ đoạn phạm tội trong các vụ án hình sự để trao đổi, phối hợp với đơn vị trinh sát thực hiện công tác phòng ngừa, phát hiện tội phạm.

Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định việc áp dụng các biện pháp cần thiết trong phối hợp hoạt động giữa đơn vị điều tra và đơn vị trinh sát trong điều tra vụ án hình sự và phải được giữ bí mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp đối với hoạt động điều tra hình sự

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ trưởng cơ quan Công an, Quân đội các cấp có liên quan đến tổ chức, hoạt động điều tra hình sự có trách nhiệm được quy định tại điều 43 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 sau đây:

- Thực hiện đúng quy định của pháp luật để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên và các chức danh khác trong hoạt động điều tra hình sự;

- Bảo đảm các điều kiện cần thiết về nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị, kinh phí và điều kiện cần thiết khác cho hoạt động điều tra hình sự;

- Chỉ đạo, tổ chức các lực lượng phối hợp, hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự;

- Tiến hành các hoạt động, biện pháp theo quy định của Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và pháp luật khác có liên quan để thu thập thông tin, tài liệu cần thiết hỗ trợ cho hoạt động điều tra hình sự;

- Tổ chức lực lượng hỗ trợ các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn, thu thập chứng cứ và bảo vệ các hoạt động tố tụng hình sự;

- Tiến hành các biện pháp theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa các hành vi cản trở, làm sai lệch kết quả điều tra, xử lý vụ án hình sự.

Trách nhiệm của Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an

- Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

- Trường hợp Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an phát hiện, bắt giữ, tiếp nhận người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan, lập biên bản bắt người, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật; giải ngay người bị bắt lên cơ quan Công an cấp trên trực tiếp hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư