Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí được quy định như thế nào? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:13 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Bảo vệ môi trường đang là vấn đề lớn mang tính toàn cầu nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Theo thống kế, có hàng nghìn tấn rác thải ra môi trường mỗi ngày và dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng. Đi kèm với sự phát triển của nền kinh tế khoa học, các công nghệ máy móc kỹ thuật phát triển vượt bậc thì điều này cũng gây ra những đe dọa không nhỏ đến môi trường. Nhất là các công tác khai thác tài nguyên thiên nhiên, khoáng sản khi sử dụng máy móc, hóa chất quá mức cho phép. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hành động hợp lý nhất.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ 3 yêu cầu đầu tiên về bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí theo Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản

Căn cứ vào khoản 1 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về việc thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản như sau:

1. Tổ chức, cá nhân tiến hành thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường sau đây:

a) Thu gom, xử lý nước thải theo quy định;

b) Thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải rắn;

c) Có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, xả khí thải và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh;

d) Có phương án cải tạo, phục hồi môi trường và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về khoáng sản;

đ) Ký quỹ bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 137 của Luật này.

Khoáng sản là tài nguyên trong lòng đất, trên mặt đất dưới dạng những tích tụ tự nhiên khoáng vật, khoáng chất có ích ở thể rắn, thể lỏng, thể khí, hiện tại hoặc sau này có thể được khai thác. Khoáng vật, khoáng chất ở bãi thải của mỏ mà sau này có thể được khai thác lại, cũng là khoáng sản.

Theo đó, thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản là quá trình tìm kiếm, xác định nguồn khoáng sản có thể khai thác để thực hiện hoạt động khai đào, sản xuất thu khoáng sản, sau đó sẽ được phân loại, làm giàu khoáng sản nhằm tăng giá trị khoáng sản đã khai thác.

Ký quỹ bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm phục hồi môi trường, xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ hoạt động khai thác khoáng sản, chôn lấp chất thải, nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Đối tượng khai thác khoáng sản

Khoản 2 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về đối tượng khai thác khoáng sản phải lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường, bao gồm:

a) Dự án đầu tư khai thác khoáng sản;

b) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa có phương án cải tạo, phục hồi môi trường hoặc có thay đổi nội dung cải tạo, phục hồi môi trường so với phương án đã được phê duyệt;

c) Cơ sở khai thác khoáng sản hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành đã được phê duyệt phương án cải tạo, phục hồi môi trường nhưng kinh phí không đủ để thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khai thác khoáng sản là hoạt động thường có quy mô lớn và có ảnh hướng nặng đến môi trường trên diện rộng. Theo đó, các dự án đầu tư khai thác khoáng sản và cơ sở khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật phải tiến hành lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, vì vậy mà nhà nước đã quy định thêm về các cơ sở đã hoạt động từ trước ngày Luật này có hiệu lực phải điều tra, đánh giá và lên lại các phương án cải tạo, phục hồi môi trường.

Nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường

Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 67 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, nội dung của phương án cải tạo, phục hồi môi trường được quy định như sau:

a) Các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường; phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường;

b) Danh mục, khối lượng các hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn;

c) Kế hoạch thực hiện phân chia theo từng năm, từng giai đoạn cải tạo, phục hồi môi trường; chương trình quan trắc môi trường trong thời gian cải tạo, phục hồi môi trường; kế hoạch kiểm tra, xác nhận hoàn thành phương án;

d) Bảng dự toán kinh phí để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho từng hạng mục cải tạo, phục hồi môi trường; các khoản tiền ký quỹ theo lộ trình.

Cải tạo, phục hồi môi trường là công tác mang ý nghĩa quan trọng trong quá trình khai thác khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản có thể làm giảm nguồn tài nguyên môi trường và khả năng chống chịu của môi trường trước thiên tai như khai thác cát quá mức dẫn đến sạt lở đất…

Theo đó, pháp luật quy định các tổ chức cá nhân thực hiện khai thác khoáng sản phải điều tra, đánh giá các số liệu thông tin để đưa ra phương án cải tạo, phục hồi môi trường theo đúng nội dung mà luật định.

Trên đây là các nội dung về đối tượng khai thác khoáng sản và trách nhiệm lập phương án phục hồi, cải tạo môi trường. Các nội dung tiếp theo sẽ được Luật Hoàng Anh trình bày rõ hơn ở Phần 2.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư