2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hiện nay, môi trường là một trong các vấn đề nóng bỏng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển của nền kinh tế công nghiệp thì môi trường cũng đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và kinh doanh sản xuất của con người. Đặc biệt là tại các khu vực xây dựng với nhiều thiết bị, máy móc xả ra một lượng lớn khí thải, chất thải rắn và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hành động hợp lý nhất.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ 3 yêu cầu đầu tiên về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng theo Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Căn cứ theo khoản 1 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
“1. Quy hoạch xây dựng phải bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.”
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch xây dựng là việc tổ chức không gian của đô thị, nông thôn và khu chức năng đặc thù; tổ chức hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; tạo lập môi trường thích hợp cho người dân sống tại các vùng lãnh thổ, bảo đảm kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quy hoạch xây dựng được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch xây dựng gồm sơ đồ, bản vẽ, mô hình và thuyết minh.
Theo đó việc quy hoạch xây dựng phải đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường mà pháp luật quy định.
Khoản 2 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
“2. Việc quy hoạch khu đô thị, khu dân cư tập trung phải hướng tới phát triển khu đô thị sinh thái, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, bảo đảm tỷ lệ diện tích cây xanh, mặt nước, cảnh quan theo quy định của pháp luật.”
Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị, được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.
Quy hoạch khu dân cư là việc tổ chức không gian, sử dụng đất cũng như hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở nông thôn.
Theo đó, việc quy hoạch khu đô thị, khu dân cư tập trung phải hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường đồng thời phát triển kinh tế xã hội bền vững. Nhà nước khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo để tiết kiệm năng lượng, tránh làm ô nhiễm môi trường.
Nội dung về đối tượng này được quy định tại khoản 3 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, Nhà nước khuyến khích việc tái sử dụng chất thải từ hoạt động xây dựng, sử dụng vật liệu không nung và vật liệu thân thiện môi trường trong xây dựng.
Các chất thải từ hoạt động xây dựng được phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình và đa số là chất thải rắn, bùn và lỏng (vôi vữa, bê tông, gạch ngói vỡ, cốt thép, thạch cao, bao bì đựng các loại vật liệu xây dựng. Đây là các chất thải có khả năng tái sử dụng nếu được xử lý thích hợp.
Nhà nước khuyến khích sử dựng các loại vật liệu thân thiện với môi trường. Trong đó, vật liệu thân thiện với môi trường là vật liệu được sử dụng theo các phương pháp đặt môi trường lên hàng đầu; đáp ứng các tiêu chí như: tạo ra từ các vật liệu tái chế hoặc chất thải từ các ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tối đa sự phát tán chất thải…và nó đang trở thành xu hướng mới của ngành xây dựng, dần thay thế và đẩy lùi những vật liệu rẻ, kém chất lượng. Vật liệu thân thiện với môi trường gồm có gỗ tái sử dụng, kim loại tái chế, đá nguyên khối, kính tiết kiệm năng lượng, vật liệu không nung, xi măng xanh, bê tông nhẹ...
Vật liệu không nung là loại vật liệu dùng trong xây dựng trong đó việc sản xuất/ tạo ra chúng không sử dụng nhiệt để nung (chủ yếu là gạch không nung).
Trên đây là 3 nội dung về quy hoạch xây dựng, khu đô thị, dân cư tập trung và việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường xây dựng. Các nội dung tiếp theo sẽ được Luật Hoàng Anh làm rõ ở Phần 2.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh