2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Hiện nay, môi trường là một trong các vấn đề nóng bỏng luôn được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, song song với quá trình phát triển của nền kinh tế công nghiệp thì môi trường cũng đang ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng do hoạt động sinh hoạt và kinh doanh sản xuất của con người. Đặc biệt là tại các khu vực xây dựng với nhiều thiết bị, máy móc xả ra một lượng lớn khí thải, chất thải rắn và tiếng ồn gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Nhận thấy được tính cấp thiết của vấn đề này, Nhà nước và Chính phủ đã đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hành động hợp lý nhất.
Tiếp nối phần 1, trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ 2 yêu cầu tiếp theo về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng theo Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Căn cứ theo khoản 4 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
“4. Khi cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng phải bảo đảm các công trình, hạng mục công trình, thiết bị xử lý chất thải, công trình phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.”
Giấy phép xây dựng là văn bản pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư để xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời công trình. Thẩm định là việc kiểm tra, đánh giá của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với những nội dung cần thiết trong quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng làm cơ sở xem xét, phê duyệt. Hoạt động này giúp cơ sở có thẩm quyền đánh giá về chuyên môn của tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng và có ảnh hưởng đến môi trường hay không.
Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng, thẩm định thiết kế xây dựng phải kiểm tra, giám sát trên cơ sở tình trạng môi trường với các yêu cầu về công trình xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường dựa trên các quy định của pháp luật.
Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 5 Điều 64 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, việc thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường sau đây:
a) Có biện pháp không phát tán bụi, nhiệt, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường;
b) Việc vận chuyển vật liệu, chất thải trong hoạt động xây dựng phải được thực hiện bằng phương tiện phù hợp, bảo đảm không làm rò rỉ, rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường;
c) Nước thải phải được thu gom, xử lý, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
d) Chất thải rắn, phế liệu còn giá trị sử dụng được tái chế, tái sử dụng theo quy định; đất, đá, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng được tái sử dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng theo quy định;
đ) Đất, bùn thải từ hoạt động đào đất, nạo vét lớp đất mặt, đào móng cọc được sử dụng để bồi đắp cho đất trồng cây hoặc các khu vực đất phù hợp;
e) Bùn thải phát sinh từ bể phốt, hầm cầu phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường;
g) Chất thải rắn và các loại chất thải khác phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc thi công, xây dựng các công trình xây dựng có thể gây ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm ánh sáng bởi các máy móc thiết bị kỹ thuật như máy trộn bê tông, thiết bị hàn kim loại... và có thể gây ô nhiễm môi trường không khí do khói bụi từ các nguyên vật liệu (xi măng, cát...), ô nhiễm đất, nước do các chất thải rắn, bao bì các loại và các bùn đất ngấm vào lòng đất và nguồn nước.
Theo đó, các cá nhân tổ chức thực hiện các công trình xây dựng phải đảm bảo vệ sinh an toàn môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật đã đề ra về môi trường và xây dựng.
Trên đây là 2 nội dung về việc cấp phép, thẩm định xây dựng và thi công các công trình xây dựng trong bảo vệ môi trường xây dựng. Các phần còn lại sẽ được Luật Hoàng Anh làm rõ ở Phần 3.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh