Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường là gì? (Phần 1)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường

 

Môi trường luôn là lĩnh vực nóng hổi được Nhà nước và Chính phủ quan tâm hàng đầu. Việc đảm bảo môi trường xung quanh mỗi người khiến đời sống sinh hoạt và sản xuất có hiệu quả hơn cả. Chính vì vậy, các điều luật về bảo vệ môi trường cũng được nghiên cứu và cập nhật thường xuyên để phù hợp với hiện tại. Gần đây, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua vào ngày 17 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 năm 2022. Theo như Luật này, Nhà nước đã đưa ra những chính sách thiết thực để bảo vệ môi trường và hướng dẫn người dân có những hành động hợp lý nhất.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ 5 chính sách đầu tiên của Nhà nước về bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây sẽ được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo khoản 1 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về chính sách của Nhà nước:

“1. Tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân tham gia thực hiện, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường.”

Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhà nước đã ra sức giúp đỡ, hướng dẫn và tạo điều kiện để người dân và các tổ chức cùng tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Điểm mới của Luật này so với Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 là đã nêu thêm “cộng đồng dân cư” vào khoản luật để khẳng định vai trò và trách nhiệm của đối tượng này đối với công tác bảo vệ môi trường trên lãnh thổ nước ta. Theo đó, hoạt động bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn thể xã hội, từ các cơ quan tổ chức đến cộng đồng dân cư, hộ gia đình và các cá nhân.

Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.

Theo khoản 2 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:

“2. Tuyên truyền, giáo dục kết hợp với biện pháp hành chính, kinh tế và biện pháp khác để tăng cường việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng văn hóa bảo vệ môi trường.”

Biện pháp hành chính là ban hành các quyết định quản lý, các mệnh lệnh hành chính thể hiện ý chí của chủ thể quản lý tác động lên đối tượng quản lý có các đối tượng quản lý hành chính để nhắc nhở, đôn đốc thực hiện và có các chế tài xử lý vi phạm hành chính theo mức độ vi phạm. Biện pháp kinh tế là dùng các lợi ích kinh tế để tác động, điều chỉnh hành vi...

Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chính vì vậy, để nâng cao ý thức của người dân trong các hoạt động bảo vệ môi trường thì cần sử dụng kết hợp, đan xen giữa các biện pháp mềm mỏng và cứng rắn để đảm bảo hiệu quả quản lý tốt nhất.

Chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Căn cứ tại khoản 3 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nhà nước đã đề ra chính sách là chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên; khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường.

Đa dạng sinh học là một từ khái quát để chỉ về các giống loài khác nhau trong tự nhiên, bao gồm: thực động vật, vi sinh vật, các hệ sinh thái và các quá trình sinh thái mà các loài trên là một bộ phận trong đó.

Di sản thiên nhiên là các di tích do tự nhiên tạo thành bởi các cấu trúc hình thể và sinh vật học hoặc bởi cấu trúc địa chất học và địa lý tự nhiên, có giá trị đặc biệt trong thẩm mỹ và khoa học. Tài nguyên thiên nhiên là những của cải vật chất có sẵn trong tự nhiên mà con người có thể khai thác, chế biến, sử dụng, phục vụ cuộc sống của con người như đất, nước, dầu, khoáng sản...

Hiện nay, hoạt động con người đang có nguy cơ làm cho tốc độ tuyệt chủng và biến mất tăng nhanh. Ô nhiễm môi trường chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy thoái tài nguyên thiên nhiên và ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học.

Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.

Khoản 4 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định:

“4. Ưu tiên xử lý ô nhiễm môi trường, phục hồi hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái, chú trọng bảo vệ môi trường khu dân cư.”

Đến nay, Việt Nam vẫn còn nhiều khu vực ô nhiễm tồn lưu, các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng đặc biệt là tại các khu dân cư, nơi mà người dân tập trung đông đúc. Mỗi ngày có hàng tấn rác, khí thải ra môi trường ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sinh thái, sức khỏe của con người. Vì vậy mà Nhà nước đã đưa ra những chính sách ưu tiên xử lý, phục hồi trước nhằm khôi phục cân bằng cân bằng sinh thái, chú trọng bảo vệ môi trường dân cư cũng như sức khỏe cư dân. Từ đó mở rộng phạm vi môi trường được bảo vệ mọi lúc mọi nơi.

Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; bố trí khoản chi riêng cho bảo vệ môi trường trong ngân sách nhà nước với tỷ lệ tăng dần theo khả năng của ngân sách nhà nước và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; ưu tiên nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ trọng điểm về bảo vệ môi trường.

Chính sách này đã được quy định cụ thể ở Khoản 5 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong bảo đảm quyền lợi của các nhân tố có tác động tích cực đến môi trường.

Đầu tư cho các công tác bảo vệ môi trường là một trong những biện pháp kinh tế quan trọng để thực hiện thành công nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Đầu tư bảo vệ môi trường cần được thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa về hình thức và nguồn vốn nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội. Công tác bảo vệ môi trường mang tính xã hội cao và cần nhiều chi phí để xử lý, phục hồi và ngăn chặn. Vì thế mà việc phân công hợp lý các khoản kinh phí là một trong những chính sách thiết thực và hợp lý với tình trạng môi trường và quốc gia hiện tại.

Trên đây là Phần 1 với 5 chính sách đầu đã được tìm hiểu và phân tích căn cứ theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Cùng Luật Hoàng Anh tìm hiểu rõ hơn về những chính sách tiếp theo ở Phần 2.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư