2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì môi trường chính là vấn đề nóng bỏng được chính phủ các quốc gia quan tâm hàng đầu, trong đó có Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự di dân tự do từ các tỉnh về thành phố lớn, việc xây dựng các công trình, các khu chung cư nhiều… nên đối mặt với những thách thức to lớn từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những vấn đề này đe dọa trực tiếp tới cuộc sống của con người và các sinh vật trê Trái Đất. Vì vậy, phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường được coi là vấn đề cấp thiết và quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, các công tác ứng phó môi trường cũng tốn kém khoản chi phí lớn trong việc áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và bù đắp vào những lỗ hổng môi trường do sự cố gây ra. Đặc biệt là sự trợ giúp của cộng đồng trong các hoạt động phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các quy định đầu tiên về công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường theo Điều 129 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).
Căn cứ theo khoản 1 Điều 129 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có khả năng bị ảnh hưởng từ sự cố môi trường phải được thông báo về nguy cơ sự cố và biện pháp ứng phó sự cố môi trường của các cơ sở xung quanh; được thông tin, tham gia và giám sát hoạt động ứng phó sự cố môi trường.”
Sự cố môi trường là sự cố xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc do biến đổi bất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường nghiêm trọng. Nó gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sinh hoạt, kinh doanh sản xuất của cộng đồng trong phạm vi xảy ra sự cố. Vì thế phải thông báo tới các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phạm vi có khả năng bị ảnh hưởng về nguy cơ và biện pháp ứng phó sự cố môi trường để giảm thiểu sự tác động của sự cố môi trường đến hoạt động và đảm bảo sự an toàn của cộng đồng.
Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 129 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã về nguy cơ sự cố môi trường và biện pháp ứng phó sự cố môi trường để thông tin cho tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư xung quanh.
Sự cố môi trường không tự nhiên mà xảy ra, có thể là do sự tác động của tự nhiên nhưng chủ yếu là do hoạt động kinh doanh sản xuất của con người hiện nay.
Vì vậy mỗi cá nhân, tổ chức phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở và thông báo lên cơ quan có thẩm quyền về nguy cơ sự cố để kịp thời cảnh báo đến cộng đồng dân cư xung quanh, hạn chế tối đa tác động của sự cố đến hoạt động sinh hoạt, kinh doanh trên địa bàn.
Khoản 3 Điều 129 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:
“3. Thời điểm bắt đầu và kết thúc giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường và giai đoạn phục hồi môi trường phải được cơ quan, người có thẩm quyền công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư biết, tham gia và giám sát.”
Phục hồi môi trường là hoạt động đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực môi trường bị tác động về gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, môi trường, phục vụ các mục đích có lợi cho con người.
Giai đoạn tổ chức ứng phó sự cố môi trường gồm các hoạt động tiếp nhận, xử lý thông tin. Đồng thời thành lập, chỉ định người chỉ huy, huy động lực lượng triển khai hoạt động ứng phó sự cố môi trường. Giai đoạn phục hồi môi trường gồm các nội dung như điều tra, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định hạng mục phục hồi môi trường và xây dựng, tổ chức kế hoạch cải tại, phục hồi môi trường.
Hai giai đoạn này được coi là giai đoạn phức tạp và khó khăn nhất. Trong giai đoạn này có thể phải hạn chế hoặc thậm chí ngừng lại tất cả các hoạt động sinh hoạt kinh doanh tại phạm vi xảy ra sự cố. Vì vậy thời điểm bắt đầu và kết thúc công tác ứng phó sự cố, phục hồi môi trường phải được công khai tới toàn thể cộng đồng để mọi người nhận thức rõ diễn biến hoạt động môi trường và sự ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Như vậy, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có thể cùng hành động, tham gia vào các hoạt động ứng phó sự cố, phục hồi môi trường, đẩy nhanh quá trình này đạt hiệu quả cao hơn, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn thể trong hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi mình sinh sống.
Trên đây là 3 nội dung đầu tiên về công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường. Các nội dung tiếp theo sẽ được Luật Hoàng Anh làm rõ ở Phần 2.
Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh