Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (Phần 2)

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:32 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa nhanh, sự di dân tự do từ các tỉnh về thành phố lớn, việc xây dựng các công trình, các khu chung cư nhiều… nên đối mặt với những thách thức to lớn từ ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Trong đó, phát thải khí nhà kính là một trong những nguyên chính làm nặng thêm thay đổi của khí hậu toàn cầu cũng như gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường và sự sống của sinh vật. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Nhận thấy được vấn đề này, Chính phủ đã đưa ra những quy định về kiểm soát và biện pháp quản lý, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để hạn chế những tiêu cực do khí thải nhà kính gây ra.

Tiếp nối Phần 1, trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các quy định tiếp theo về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Trách nhiệm của Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Nội dung này được quy định tại khoản 5 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, Bộ quản lý lĩnh vực thuộc đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp, quản lý chất thải, các quá trình công nghiệp;

c) Hướng dẫn quy trình, quy định kỹ thuật về đo đạc, báo cáo, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;

d) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm trong phạm vi quản lý đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 01 của kỳ báo cáo tiếp theo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

đ) Hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ và quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô và ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý.

Theo quy định, hiện nay có một số Bộ thực hiện quản lý về lĩnh vực này bao gồm: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính sẽ căn cứ trên lĩnh vực do kiểm kê quốc gia khí nhà kính yêu cầu. Việc kiểm kê quốc gia khí nhà kính sẽ do các Bộ chuyên ngành thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp để xây dựng báo cáo kiểm kê quốc gia khí nhà kính.

Các lĩnh vực phải kiểm kê khí nhà kính theo quy định hiện nay gồm: năng lượng; nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất; chất thải quá trình công nghiệp…

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Căn cứ theo khoản 6 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường quy định:

6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu phục vụ kiểm kê khí nhà kính cấp quốc gia, cấp ngành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; kiểm tra việc thực hiện hoạt động có liên quan đến giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong phạm vi quản lý.

Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt Trái Đất khi được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời, sau đó phân tán nhiệt lại cho Trái Đất, gây nên hiệu ứng nhà kính.

Theo đó, các khí nhà kính thường bao gồm hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC nhưng chủ yếu gây hiệu ứng nhà kính là do các khí có hàm lượng thấp như hydrofluorocarbons (HFCS), perfluorocarbons (PFCS), sulphur hexafluoride (SF6) và nitrogen, trifluoride (NF3).

Như vậy, để đảm bảo quản lý và giám sát sát sao các thông tin về phát thải khí nhà kính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thường xuyên kiểm tra các hoạt động phát thải và hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trên địa bàn của mình, đồng thời, tổng hợp và cung cấp số liệu lên các cơ quan có thẩm quyền quản lý.

Trách nhiệm của Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

Nội dung này được quy định chi tiết tại khoản 7 Điều 91 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, pháp luật quy định Cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải khí nhà kính và gửi kết quả kiểm kê khí nhà kính định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;

c) Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.

Khoản 8 Điều 91 quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư