Hoạt Động Bảo Vệ Môi Trường Nước Mặt Là Gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:03 (GMT+7)

Bài viết này trình bày về hoạt động bảo vệ môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Môi trường cung cấp nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú để phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, điển hình là môi trường nước mặt. Nước mặt được coi là nguồn nước tồn tại trên bề mặt đấy liền hoặc hải đảo. Vì thế, mọi hoạt động sinh hoạt hay sản xuất của con người đều có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nước mặt.

Trên thực tế hiện nay, song song với quá trình đô thị hóa thì các khu công nghiệp, nhà máy ngày càng dày đặc đe dọa đến nguồn nước tại quốc gia. Chính vì vậy, Nhà nước đã quy định ra hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt để hướng dẫn người dân có nhận thức đúng đắn và hành động một cách hợp lý.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ 3 nội dung về hoạt động bảo vệ môi trường mặt theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây sẽ gọi tắt là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Nội dung bảo vệ môi trường nước mặt.

Căn cứ vào khoản 1 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định nội dung bảo vệ môi trường nước mặt bao gồm:

a) Thống kê, đánh giá, giảm thiểu và xử lý nước thải xả vào môi trường nước mặt;

b) Quan trắc, đánh giá chất lượng nước, trầm tích, môi trường thủy sinh của nguồn nước mặt và công khai thông tin phục vụ quản lý, khai thác và sử dụng nước mặt;

c) Điều tra, đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; công bố các khu vực môi trường nước mặt không còn khả năng chịu tải; đánh giá hạn ngạch xả nước thải vào môi trường nước mặt;

d) Xử lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi và cải thiện môi trường nước mặt bị ô nhiễm;

đ) Quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích sông liên quốc gia và chia sẻ thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Theo điều khoản này, tất cả các thông tin và số liệu về nguồn thải, tổng lượng thải vào môi trường nước mặt phải được nghiên cứu và công bố một cách rõ ràng minh bạch. Đồng thời tổ chức đánh giá chất lượng nước và thiệt hại do ô nhiễm để có phương án xử lý kịp thời.

Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định:

“2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm sau đây:

a) Hướng dẫn đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ; hướng dẫn đánh giá chất lượng môi trường nước mặt;

b) Tổ chức thực hiện đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, khả năng chịu tải của môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh; tổ chức kiểm kê, đánh giá nguồn thải, mức độ ô nhiễm và tổ chức xử lý ô nhiễm sông, hồ liên tỉnh; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường;

c) Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh và giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước, cải thiện chất lượng nước tại sông, hồ liên tỉnh.”

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Theo điều khoản này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức đánh giá chất lượng, sức chịu tải của môi trường nước mặt và đưa ra các kế hoạch quản lý môi trường. Trong đó, sức chịu tải của môi trường nước là khả năng tiếp nhận thêm chất gây ô nhiễm mà vẫn bảo đảm nồng độ các chất ô nhiễm không vượt quá giá trị giới hạn được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho mục đích sử dụng nguồn tiếp nhất.  Đồng thời, theo dõi, kiểm tra sát sao các khu vực sông, hồ liên tỉnh và đưa ra các phương án xử lý nhanh chóng.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

Theo khoản 3 Điều 8 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:

a) Xác định các sông, hồ nội tỉnh và nguồn nước mặt khác trên địa bàn có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; xác định vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, lập hành lang bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn; xác định khu vực sinh thủy;

b) Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định;

c) Tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt trên địa bàn; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt trên địa bàn theo kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt;

d) Tổ chức đánh giá chất lượng môi trường nước mặt, trầm tích, đánh giá khả năng chịu tải, hạn ngạch xả nước thải đối với nguồn nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; công bố thông tin về môi trường nước mặt trên địa bàn không còn khả năng chịu tải;

đ) Ban hành, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản này; tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn.

Ủy ban nhân dân là cơ quan hành chính nhà nước của hệ thống hành chính Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chính quyền của các địa phương cấp tỉnh, lãnh đạo và điều hành công việc của UBND.

Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm khoanh vùng, đánh giá và công khai các thông tin về nguồn xả thái ra môi trường nước mặt sông, hồ thuộc địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện kế hoạch quản lý và đưa ra phương án xử lý thiệt hại do ô nhiễm trên địa bàn.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư