Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:29 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Quản lý và kiểm soát bụi, khí thải theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì môi trường chính là vấn đề nóng bỏng được chính phủ các quốc gia quan tâm hàng đầu, trong đó có Việt Nam. Song song với quá trình phát triển công nghệ hiện đại thì chất thải đang dần trở thành mối nguy hại đối với đời sống và sức khỏe con người. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có đến 92% dân số hiện đang sống trong bầu không khí bị ô nhiễm. Mà bụi, khí thải là những thứ mà có thể nhìn rõ bằng mắt thường qua những thay đổi thường ngày. Nguyên do chính dẫn đến tình trạng này lại chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh sản xuất và sinh hoạt của con người. Chính vì thế, để có được một môi trường xanh, sạch, đẹp thì cần phải có những giải pháp tối ưu và hiệu quả nhất. Nhận thấy được vấn đề này, Chính phủ đã đưa ra các quy định cụ thể về việc quản lý bụi, khí thải để kiểm soát, bảo vệ môi trường một cách hệ thống nhất.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các yêu cầu về quản lý và kiểm soát bụi, khí thải theo Điều 88 Luật bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Nội dung này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, pháp luật quy định tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Bụi có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại.

Khí thải là các thành phần vật chất độc hại dạng khí hoặc hơi được thải ra từ những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày của con người. Hiểu một cách đơn giản thì khí thải được phát sinh từ sự đốt cháy các nhiên liệu khí tự nhiên, xăng, dầu, hỗn hợp, than đá, nhiên liệu diesel.

Trong khi đó, bụi là những hạt vật chất nhỏ tồn tại cả ở dạng rắn, lỏng, khí bay lơ lửng trong không khí và chúng có mặt ở tất cả mọi nơi ngay cả trong nhà hay ngoài trời. Chúng chứa rất nhiều độc tố và có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường sống xung quanh.

Vì vậy, việc kiểm soát bụi và khí thải là nhiệm vụ rất quan trọng của mọi tổ chức cá nhân làm phát sinh bụi, khí thải và việc thực hiện phải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Căn cứ khoản 2 Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:

2. Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Quy chuẩn kỹ thuật môi trường là mức giới hạn của các thông số về chất lượng môi trường xung quanh, hàm lượng của các chất gây ô nhiễm có trong chất thải, các yêu cầu kỹ thuật và quản lý được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản bắt buộc áp dụng để bảo vệ môi trường.

Bụi và khí thải có mặt ở khắp mọi nơi, tuy nhiên, các phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình là nơi phát sinh ra chủ yếu lượng bụi, khí thải với khối lượng lớn bởi độ bao phủ và tần suất sử dụng thường xuyên.

Do đó, việc thiết lập bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải hay thiết bị che chắn là việc rất cần thiết góp phẩn hạn chế việc xả thải bụi, khí thải tự do ra ngoài môi trường.

Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí.

Khoản 3 Điều 88 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:

3. Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan hướng dẫn thực hiện hoạt động phòng ngừa, kiểm tra, giám sát, xử lý các nguồn bụi, khí thải gây ô nhiễm không khí.

Ví dụ: Thông tư số 25/2009/TT-BTNMT ngày 16 tháng 11 năm 2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành Quy chuẩn quốc gia về môi trường.

Trong đó, QCVN 19: 2009/BTNMT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư