Rừng đặc dụng là gì? Quy định thành lập khu rừng đặc dụng?

Thứ ba, 16/01/2024, 09:23:46 (GMT+7)

Rừng đặc dụng là gì? Quy định pháp luật về thành lập khu rừng đặc dụng. Dịch vụ tư vấn thành lập rừng đặc dụng nhanh chóng - hiệu quả.

Lâm nghiệp Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước và được pháp luật điều chỉnh cụ thể qua các văn bản quy phạm pháp luật. Nhằm đảm bảo sự đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai, bảo vệ sự phát triển bền vững của rừng, việc thành lập khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ cần được chú trọng quan tâm. Bài viết dưới đây, Luật Hoàng Anh sẽ trình bày về thành lập khu rừng đặc dụng, theo quy định của pháp luật. GỌI NGAY cho Luật sư qua hotline 0908308123 để được cung cấp dịch vụ luật sư riêng tư vấn cụ thể các quy định pháp luật liên quan thành lập rừng đặc dụng. 

Căn cứ pháp lý

- Luật Lâm nghiệp 2017;

- Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Rừng đặc dụng là gì? 

Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.

Rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Nguyên tắc thành lập khu rừng đặc dụng

Khoản 1 Điều 9 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp quy định thành lập khu rừng đặc dụng phải đảm bảo nguyên tắc sau:

Thứ nhất: Có dự án thành lập khu rừng đặc dụng phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, không thuộc đối tượng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Thứ hai: Đáp ứng các tiêu chí đối với từng loại rừng đặc dụng theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP. Cụ thể: 

1. Vườn quốc gia đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Có ít nhất 01 hệ sinh thái tự nhiên đặc trưng của một vùng hoặc của quốc gia, quốc tế hoặc có ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu của Việt Nam hoặc có trên 05 loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

- Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục; có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên, có giá trị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

- Có diện tích liền vùng tối thiểu 7.000 ha, trong đó ít nhất 70% diện tích là các hệ sinh thái rừng.

2. Khu dự trữ thiên nhiên đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Có hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đối với quốc gia, quốc tế, đặc thù hoặc đại diện cho một vùng sinh thái tự nhiên;

- Là sinh cảnh tự nhiên của ít nhất 05 loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

- Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục hoặc du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

- Diện tích liền vùng tối thiểu 5.000 ha, trong đó ít nhất 90% diện tích là các hệ sinh thái rừng.

3. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Là nơi sinh sống tự nhiên thường xuyên hoặc theo mùa của ít nhất 01 loài sinh vật đặc hữu hoặc loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

- Phải bảo đảm các điều kiện sinh sống, thức ăn, sinh sản để bảo tồn bền vững các loài sinh vật đặc hữu hoặc loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;

- Có giá trị đặc biệt về khoa học, giáo dục;

- Có diện tích liền vùng đáp ứng yêu cầu bảo tồn bền vững của loài thuộc Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

4. Khu bảo vệ cảnh quan bao gồm:

- Rừng bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đáp ứng các tiêu chí sau: có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng hoặc có đối tượng thuộc danh mục kiểm kê di tích theo quy định của pháp luật về văn hóa; có giá trị về khoa học, giáo dục, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí;

- Rừng tín ngưỡng đáp ứng các tiêu chí sau: có cảnh quan môi trường, nét đẹp độc đáo của tự nhiên; khu rừng gắn với niềm tin, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng;

- Rừng bảo vệ môi trường đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao đáp ứng các tiêu chí sau: khu rừng có chức năng phòng hộ, bảo vệ cảnh quan, môi trường; được quy hoạch gắn liền với khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

5. Khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Có hệ sinh thái đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học của tổ chức khoa học và công nghệ, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, thực nghiệm khoa học lâm nghiệp;

- Có quy mô diện tích phù hợp với mục tiêu, yêu cầu nghiên cứu, thực nghiệm khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo lâm nghiệp lâu dài.

6. Vườn thực vật quốc gia

Khu rừng lưu trữ, sưu tập các loài thực vật ở Việt Nam và thế giới để phục vụ nghiên cứu, tham quan, giáo dục, có số lượng loài thân gỗ từ 500 loài trở lên và diện tích tối thiểu 50 ha.

7. Rừng giống quốc gia đáp ứng các tiêu chí sau đây:

- Là khu rừng giống chuyển hóa, rừng giống trồng của những loài cây thuộc danh mục giống cây trồng lâm nghiệp chính;

- Đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia về rừng giống, có diện tích tối thiểu 30 ha.

Xem thêm: Tiêu chí xác định rừng đặc dụng?

Nội dung của dự án thành lập khu rừng đặc dụng

Khoản 2 Điều 9 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định nội dung của dự án thành lập khu rừng đặc dụng bao gồm:

- Đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng rừng, các hệ sinh thái tự nhiên; các giá trị về đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật; giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; khoa học, thực nghiệm, giáo dục môi trường và cung ứng dịch vụ môi trường rừng;

- Đánh giá về hiện trạng quản lý, sử dụng rừng, đất đai, mặt nước vùng dự án;

- Đánh giá về hiện trạng dân sinh, kinh tế - xã hội;

- Xác định các mục tiêu thành lập khu rừng đặc dụng đáp ứng tiêu chí rừng đặc dụng;

- Xác định phạm vi ranh giới, diện tích khu rừng đặc dụng, các phân khu và vùng đệm trên bản đồ;

- Các chương trình hoạt động, phương án ổn định đời sống dân cư vùng đệm, giải pháp thực hiện, tổ chức quản lý;

- Xác định khái toán vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư xây dựng khu rừng đặc dụng; kinh phí thường xuyên cho các hoạt động bảo vệ rừng, bảo tồn, nâng cao đời sống người dân; hiệu quả đầu tư;

- Tổ chức thực hiện dự án.

Hồ sơ thành lập khu rừng đặc dụng

Khoản 3 Điều 9 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ thành lập khu rừng đặc dụng bao gồm:

- Tờ trình thành lập khu rừng đặc dụng (bản chính);

- Dự án thành lập khu rừng đặc dụng (bản chính);

- Bản đồ hiện trạng khu rừng đặc dụng (bản chính) tỷ lệ 1/5.000 hoặc 1/10.000 hoặc 1/25.000 theo hệ quy chiếu VN2000 tùy theo quy mô diện tích của khu rừng đặc dụng;

- Tổng hợp ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan;

- Kết quả thẩm định.

Trình tự, thủ tục thành lập khu rừng đặc dụng 

Trình tự thành lập khu rừng đặc dụng nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên

Khoản 4 Điều 9 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức xây dựng dự án, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập khu rừng đặc dụng, theo trình tự sau đây:

- Tổ chức xây dựng dự án thành lập khu rừng đặc dụng theo quy định;

- Lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu rừng đặc dụng;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định thành lập khu rừng đặc dụng.

Trình tự thành lập khu rừng đặc dụng không nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên

Khoản 5 Điều 9 Nghị định 156/2018/NĐ-CP quy định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tổ chức xây dựng dự án, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập khu rừng đặc dụng theo trình tự sau đây:

- Tổ chức xây dựng dự án thành lập khu rừng đặc dụng theo quy định;

- Lấy ý kiến tham gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu rừng đặc dụng;

- Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định thành lập khu rừng đặc dụng.

Dịch vụ tư vấn thành lập khu rừng đặc dụng của Luật Hoàng Anh

Nếu như có thắc mắc hoặc có vấn đề nào chưa rõ, đừng ngần ngại liên hệ với Công ty Luật Hoàng Anh qua số hotline: 0908 308 123 để trao đổi và làm rõ thêm về các vấn đề liên quan thành lập rừng đặc dụng một cách CHÍNH XÁC - NHANH CHÓNG.

Các luật sư của Luật Hoàng Anh là những luật sư chuyên nghiệp, có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề, trực tiếp tiến hành tư vấn và cung cấp dịch vụ theo yêu cầu của bạn một cách hiệu quả nhất.

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư