2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Chăn nuôi là một bộ phận quan trọng cấu thành ngành nông nghiệp Việt Nam cũng như là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Chăn nuôi cung cấp thực phẩm thiết yếu chính cho người dân, giúp cho nông dân tăng thu nhập, giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Nhằm quản lý hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý nhà nước về chăn nuôi, Luật Chăn nuôi được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Bài viết dưới đây sẽ trình bày về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong quản lý nhà nước về chăn nuôi.
Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.
Hoạt động chăn nuôi là nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản vật nuôi và hoạt động khác có liên quan đến vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi phục vụ mục đích làm thực phẩm, khai thác sức kéo, làm cảnh hoặc mục đích khác của con người.
Khoản 1 Điều 80 Luật Chăn nuôi 2018 quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện quản lý nhà nước về chăn nuôi thuộc phạm vi quản lý;
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thi hành pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chăn nuôi;
- Xây dựng nội dung chiến lược phát triển chăn nuôi của địa phương phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi trên phạm vi cả nước và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Xây dựng và tổ chức vùng chăn nuôi, sản xuất và chế biến thức ăn chăn nuôi tập trung gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường;
- Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi trên địa bàn;
- Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất, bảo đảm nguồn nước để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung theo thẩm quyền; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại chăn nuôi quy mô lớn;
- Trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, quyết định vùng nuôi chim yến và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.
Khoản 2 Điều 80 Luật Chăn nuôi 2018 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
- Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất theo thẩm quyền để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi;
- Tổ chức quản lý, phát triển chăn nuôi tại địa phương; thống kê, đánh giá và hỗ trợ thiệt hại cho cơ sở chăn nuôi sau thiên tai, dịch bệnh;
- Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về chăn nuôi trong địa bàn huyện theo thẩm quyền.
Khoản 3 Điều 80 Luật Chăn nuôi 2018 quy định Ủy ban nhân dân cấp xã, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:
- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về chăn nuôi;
- Tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi trên địa bàn;
- Thống kê cơ sở chăn nuôi, hộ chăn nuôi, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trên địa bàn.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh