Trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:44 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học theo Luật Đa dạng sinh học năm 2018

 

Hiện nay, môi trường đa dạng sinh học chính là một trong những vấn đề nóng bỏng được cả thế giới quan tâm hàng đầu. Trong đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tài nguyên sinh học đa dạng, phong phú và giàu có nhất. Sự đa dạng này không chỉ ở sự có mặt của những loài động vật, thực vật hoang dã quý hiếm mà còn là những nguồn gen đặc hữu chỉ tồn tại ở một hoặc một số khu vực địa lý nhất định. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gen sinh vật trong giai đoạn này đỡ trở thành những thách thức lớn của con người. Trước tình hình này, công nghệ sinh học hiện đại ngày một phát triển vượt bậc đã mang lại lợi ích to lớn cho nhân loại, cho phép chuyển gen từ loài này sang loài khác, thậm chí thay đổi di truyền để tạo ra những giống mới mang đặc điểm mà con người mong muốn. Các sinh vật biến đổi gen đó với những đặc tính ưu việt đã từng bước khẳng định vị trí của mình trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm và y tế. Tuy nhiên, chúng cũng có những ảnh hưởng bất lợi đến sức khỏe con người, môi trường và đa dạng sinh học. Nhận thấy được vấn đề này, Chính phủ đã đưa ra những quy định cụ thể nhằm quản lý sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của chúng một cách có hệ thống và hiệu quả nhất.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học theo Điều 65 Luật Đa dạng sinh học số 32/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 12 năm 2018 (sau đây được gọi là Luật Đa dạng sinh học năm 2018).

Căn cứ pháp lý

Căn cứ vào Điều 65 Luật Đa dạng sinh học năm 2018 quy định như sau:

“1. Trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học được quy định như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ và phải có các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, công nghệ và cán bộ chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép;

c) Tổ chức, cá nhân nghiên cứu, nhập khẩu, mua, bán, phóng thích sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen phải công khai thông tin về mức độ rủi ro và các biện pháp quản lý rủi ro theo quy định tại Điều 67 của Luật này.

2. Chính phủ quy định cụ thể trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và tổ chức, cá nhân trong việc quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra đối với đa dạng sinh học.”

Nội dung

Nguồn gen bao gồm các loài sinh vật, các mẫu vật di truyền trong khu bảo tồn, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và trong tự nhiên.

Mẫu vật di truyền là mẫu vật thực vật, động vật, vi sinh vật và nấm mang các đơn vị chức năng di truyền còn khả năng tái sinh.

Gen là một đơn vị di truyền, một đoạn của vật chất di truyền quy định các đặc tính cụ thể của sinh vật. Sinh vật biến đổi gen là sinh vật có cấu trúc di truyền bị thay đổi bằng công nghệ chuyển gen. Phóng thích sinh vật biến đổi gen là việc chủ động đưa sinh vật biến đổi gen vào môi trường tự nhiên.

Quản lý rủi ro là việc thực hiện các biện pháp an toàn để ngăn ngừa, xử lý và khắc phục rủi ro đối với đa dạng sinh học trong các hoạt động có liên quan đến sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể trách nhiệm quản lý rủi ro do sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen gây ra theo từng chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân.

Theo đó, cần xác định rõ tính chất nguy hại tiềm ẩn và mức độ thiệt hại có thể xảy ra trong các hoạt động liên quan đến sinh vật biến đổi gen, mẫu vật của sinh vật biến đổi gen, nhất là việc sử dụng, phóng thích sinh vật biến đổi gen và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen.

Điều kiện về việc tạo ra sinh vật biến đổi gen, mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen được quy định chi tiết tại Thông tư số 21/2012/TT-BKHCN ngày 20 tháng 11 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về an toàn sinh học hoạt động nghiên cứu, phát triển sinh vật biến đổi gen.

Trong đó, quy định an toàn sinh học trong nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen như sau:

“1. Những quy định chung

a) Việc nghiên cứu tạo ra sinh vật biến đổi gen chỉ được thực hiện tại Phòng thí nghiệm được cấp Giấy chứng nhận Phòng thí nghiệm nghiên cứu về sinh vật biến đổi gen có mức độ an toàn sinh học cấp 1, cấp 2, cấp 3 và cấp 4;

b) Phải tuân thủ các quy định hiện hành về an toàn và vệ sinh phòng thí nghiệm;

c) Chuẩn bị đầy đủ mẫu vật, nguyên liệu và dụng cụ, thiết bị thí nghiệm. Các nguyên liệu, vật liệu, mẫu vật thí nghiệm, ống nghiệm, dụng cụ chuyên dụng dùng trong nghiên cứu sinh vật biến đổi gen phải ghi nhãn có tên và ngày tháng thực hiện;

d) Hoạt động nghiên cứu tạo véc tơ tái tổ hợp, chuyển gen chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 1 trở lên của khu thí nghiệm chính;

đ) Chỉ thực hiện chuyển gen cho 01 đối tượng trong một lần thí nghiệm;

e) Người thao tác chuyển gen phải mặc áo blouse, đeo khẩu trang, đi găng tay. Khi thực hiện thao tác phải ngồi trước tủ an toàn sinh học đang hoạt động, lấy đủ lượng các nguyên liệu cần thiết và tránh làm rơi vãi;

g) Tủ an toàn sinh học, các thiết bị thí nghiệm phải được vệ sinh bằng cồn 70 độ. Mẫu vật bị rơi vãi, nguyên liệu, vật liệu dư thừa, bông cồn, dụng cụ thí nghiệm, ống nghiệm và các dụng cụ khác đã sử dụng phải được thu gom, phân loại và xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường;

h) Định kỳ hàng tuần khử trùng phòng thí nghiệm và tủ an toàn sinh học bằng dung dịch chloramin hoặc cồn 70 độ hoặc các chất khử trùng khác được sử dụng theo quy định;

i) Các sản phẩm thí nghiệm được bảo quản và quản lý theo quy định, không đưa ra ngoài phòng thí nghiệm khi chưa được phép của người quản lý. Nếu bị mất mẫu vật hoặc có dấu hiệu xáo trộn thì phải báo ngay với người quản lý để có giải pháp xử lý kịp thời hạn chế sự phát tán thiếu kiểm soát ra môi trường;

k) Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện nguy cơ rủi ro khó kiểm soát thì phải dừng ngay hoạt động nghiên cứu và xử lý theo hướng dẫn quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

2. Quy định quản lý an toàn sinh học trong một số hoạt động nghiên cứu có tính chất đặc thù:

Ngoài các quy định đã nêu tại Khoản 1 của Điều này cần tuân thủ các quy định sau:

a) Hoạt động nhân dòng với các đối tượng chuyển gen là thực vật: Trong quá trình tiến hành nhân dòng đối tượng chuyển gen tuyệt đối cách ly với các sinh vật khác. Các mẫu hỏng hoặc không có nhu cầu sử dụng cần phải được tiêu hủy theo quy định;

b) Hoạt động nhân dòng với đối tượng chuyển gen là vi sinh vật: phải quản lý chặt chẽ các ống nghiệm nhân sinh khối, đối với các ống nghiệm nhân nuôi không thành công phải được tiêu hủy theo quy định;

c) Hoạt động nhân dòng với đối tượng chuyển gen là động vật: phải quản lý chặt chẽ số lượng các dòng tế bào đã chuyển gen trước khi cấy vào vật chủ. Nếu mẫu bị hỏng hoặc không có nhu cầu sử dụng phải tiến hành tiêu hủy theo quy định.”

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật Đa dạng sinh học năm 2018

Luật Hoàng Anh

 

                       

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư