Trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:37 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay thì môi trường chính là vấn đề nóng bỏng được chính phủ các quốc gia quan tâm hàng đầu, trong đó có Việt Nam. Trong điều kiện đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, các hoạt động sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ ngày càng đa dạng và đang tạo ra những tác động, áp lực rất lớn lên môi trường. Do đó, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có những nội dung quản lý thích hợp và những giải pháp quan trọng trong các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về môi trường. Với trách nhiệm cùng hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày một rõ nét hơn, trách nhiệm hơn và tập hợp, khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân thông qua việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ phân tích các trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo Điều 157 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Căn cứ vào khoản 1 Điều 157 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động các tổ chức thành viên và Nhân dân tham gia hoạt động bảo vệ môi trường.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nơi hiệp thương, phối hợp và thống nhất hành động của các thành viên.

Trong các vấn đề về quốc gia nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường riêng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ công chức nhà nước; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân; cùng Nhà nước chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; tham gia phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trong khu vực và trên thế giới

Quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tư vấn, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia bảo vệ môi trường.

Bảo vệ môi trường là hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cơ quan quản lý nước ta gồm: Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp từ cấp tỉnh đến cấp xã.

Theo đó, các cơ quan này phải phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện các công tác bảo vệ môi trường, theo dõi và giám sát các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

Luật Hoàng Anh

 

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư