Tranh chấp về môi trường được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:38 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Tranh chấp về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

 

Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong lĩnh vực tăng trưởng nền kinh tế quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển nền kinh tế công nghiệp đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và chất lượng sống của cộng đồng. Trước thực tế này, đòi hỏi Việt Nam phải đưa ra các biện pháp cụ thể để quản lý và hạn chế các tác động tiêu cực với môi trường, bảo đảm lợi ích của cộng đồng.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ các nội dung về tranh chấp về môi trường theo Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây được gọi là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020).

Nội dung tranh chấp về môi trường

Căn cứ vào khoản 1 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:

“1. Nội dung tranh chấp về môi trường bao gồm:

a) Tranh chấp về quyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng thành phần môi trường;

b) Tranh chấp về xác định nguyên nhân gây ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường;

c) Tranh chấp về trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại về môi trường.”

Tranh chấp môi trường được hiểu đơn giản là những xung đột giữa các tổ chức, cá nhân, các cộng đồng dân cư về quyền và lợi ích liên quan đến việc phòng ngừa, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường; về việc khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên và môi trường; về quyền được sống trong môi trường trong lành và quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản do làm ô nhiễm môi trường gây nên.

Định nghĩa này đã chỉ ra đối tượng hướng tới của tranh chấp môi trường và chủ thể của tranh chấp môi trường. Theo đó, chủ thể của tranh chấp môi trường là các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư. Đối tượng hướng tới của tranh chấp môi trường là các quyền và lợi ích liên quan đến môi trường.

Thực hiện giải quyết tranh chấp về môi trường

Khoản 2 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định như sau:

“2. Việc giải quyết tranh chấp về môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Giải quyết tranh chấp bồi thường thiệt hại về môi trường được thực hiện theo Điều 133 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.”

Tranh chấp môi trường là một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển của xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Theo đó, giải quyết tranh chấp được hiểu là việc lựa chọn các hình thức, biện pháp thích hợp để giải tỏa các mâu thuẫn, bất đồng, tạo lập lại sự cân bằng về mặt lợi ích mà các bên có thể chấp nhận được. Đồng thời giải quyết tranh chấp phải dựa trên quy định của pháp luật, giúp đảm bảo trật tự, ổn định xã hội.

Thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường

Nội dung này được quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

Theo đó, thời điểm để tính thời hiệu khởi kiện về môi trường là ngày tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của tổ chức, cá nhân khác.

Giải quyết tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Nội dung này được quy định tại khoản 4 Điều 162 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Theo đó, tranh chấp về môi trường trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà một hoặc các bên là tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải quyết theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều ước quốc tế là sự thỏa thuận giữa các chủ thể của luật quốc tế với nhau trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng nhằm thiết lập những quy tắc pháp lý bắt buộc gọi là những quy phạm luật quốc tế để ấn định, thay đổi hoặc hủy bỏ những quyền và nghĩa vụ đối với nhau.

Ví dụ: Công ước của Liên Hợp Quốc ngày 25 tháng 07 năm 1980 về sự biến đổi môi trường.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về luật bảo vệ môi trường

Luật Hoàng Anh

 

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư