Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 17:00:02 (GMT+7)

Bài viết này trình bày quy định về Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo theo pháp luật về Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Việt Nam là quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế biển gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ. Tài nguyên và lợi thế do biển mang lại hứa hẹn nhiều triển vọng to lớn đối với sự phát triển của đất nước. Theo đó, việc ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển… được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Nhà nước chú trọng. Vì vậy, Chính phủ đã đề ra những quy định cụ thể về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm quản lý sát sao, chặt chẽ các hoạt động thuộc lĩnh vực này.

Trong phạm vi bài viết này, Luật Hoàng Anh sẽ làm rõ nội dung về Yêu cầu quản lý tài nguyên hải đảo theo Điều 39 Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 06 năm 2015 (sau đây được gọi tắt là Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015)

Căn cứ pháp lý

- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015;

- Luật số 35/2018/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019;

- Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Quản lý thống nhất tài nguyên hải đảo

Căn cứ vào khoản 1 Điều 39 Luật Tài nguyên, môi trường và biển đảo năm 2015 quy định như sau:

“1. Tài nguyên hải đảo phải được quản lý thống nhất theo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ và quy định tại Chương này.”

Hải đảo là khoảng đất lớn nhô cao giữa mặt biển hoặc đại dương; đảo ngoài biển. Hải đảo bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm là nơi chứa đựng các loại tài nguyên hải đảo; có giá trị và ý nghĩa rất quan trọng đối với kinh tế, quốc phòng, an ninh và chủ quyền của quốc gia.

Tài nguyên biển và hải đảo bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật thuộc khối nước biển, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển, vùng đất ven biển và quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm (sau đây gọi chung là hải đảo) thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện hải đảo

Khoản 2 Điều 39 Luật Tài nguyên, môi trường và biển đảo năm 2015 quy định hải đảo phải được điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể, toàn diện về điều kiện tự nhiên, tài nguyên và môi trường; thống kê, phân loại để lập hồ sơ và định hướng khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo với nhiệm vụ là:

  • Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội, văn minh sinh thái biển nhằm có được các số liệu, dữ liệu về khí tượng, hải văn, môi trường, động đất, sóng thần... phục vụ quy hoạch, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển;
  • Xây dựng, thiết kế các công trình trên biển, đánh giá các tác động của yếu tố tự nhiên tới các công trình biển, quá trình xâm nhập mặn, suy thoái môi trường biển, phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên biển, ứng phó với biến đổi  khí hậu, nước biển dâng.
  • Đo đạc, thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ lớn 1:10.000 một số khu vực trọng điểm, tỉ lệ trung bình 1:50.000 vùng biển ven bờ và tỉ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn bộ vùng biển Việt Nam.
  • Điều tra tổng thể đa dạng sinh học và nguồn lợi hải sản ở tỉ lệ nhỏ vùng biển sâu, điều tra chi tiết tại các bãi cạn, gò đồi ngầm; tiến hành điều tra định kỳ nguồn lợi hải sản và môi trường sống của loài hải sản, các loại tài nguyên và các yếu tố môi trường có tính biến động theo quy định pháp luật.
  • Điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học đánh giá tiềm năng tài nguyên vị thế, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng, thủy triều, sinh dược học biển và các nguồn tài nguyên khác;...
  • Điều tra cơ bản kết hợp với nghiên cứu khoa học biển, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển và hải đảo về quy luật phân bố và nguồn gốc thành tạo các khoáng sản biển (khí hydrate, sa khoáng,...), cổ khí hậu, cổ đại dương, chế độ thủy thạch động lực, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường tới các hệ sinh thái,...

Bảo đảm hài hòa nhu cầu khai thác sử dụng với phát triển và bảo tệ môi trường

Theo đó, yêu cầu quản lý cuối cùng về tài nguyên hải đảo là bảo đảm hài hòa giữa nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo tồn, phát triển và bảo vệ môi trường, hệ sinh thái.

Hiện nay với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác quá mức dẫn đến tình trạng suy thoái, khó có khả năng phục hồi. Đáng chú ý là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên đất mặt ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tài nguyên không phải vô hạn và việc khai thác quá mức, không hợp lý có thể làm suy kiệt và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chính vì vậy, Nhà nước yêu cầu trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên hải đảo phải đi kèm với bảo tồn, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường hệ sinh thái.

Xem thêm: Tổng hợp bài viết về Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư