2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; hoặc an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa; khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ; hay khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước; khi đó, Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được sẽ thực hiện trưng dụng tài sản.
Theo đó, Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia (Khoản 2 Điều 2 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008).
Việc trưng dụng tài sản được thông qua quyết định trưng dụng tài sản bởi người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Khoản 1 Điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008).
Theo quy định tại Điều 23 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008, tài sản trưng dụng là Nhà, đất và tài sản khác gắn liền với đất, máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc và phương tiện kỹ thuật khác. Có thể thấy, những tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, phương tiện kỹ thuật sẽ cần huy động người để vận hành, điều khiển tài sản đó.
Trong trường hợp tài sản trưng dụng phải có người vận hành, điều khiển nhưng tổ chức, cá nhân được giao quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng không có người vận hành, điều khiển thì người quyết định trưng dụng tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 đề cập trên được huy động người đang vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng đó để vận hành, điều khiển. Người được huy động vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng có nghĩa vụ chấp hành quyết định huy động (khoản 4 Điều 27 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008).
Người được huy động vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng trong thời gian chấp hành quyết định huy động sẽ có những điều chỉnh trong công việc dẫn đến ảnh hưởng đến mức thu nhập của họ.
Vì vậy, Điều 39 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008 quy định về bồi thường thiệt hại đối với người được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng
“Điều 39. Bồi thường thiệt hại đối với người được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng
1. Trong thời gian được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng, người được huy động được bồi thường thiệt hại theo mức thu nhập trung bình ba tháng liền kề của công việc mà người đó thực hiện trước khi được huy động.
2. Khi thi hành quyết định huy động của người có thẩm quyền quy định tại Luật này, nếu người được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng bị thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe thì được bồi thường như sau:
a) Trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà thiệt hại về sức khỏe thì được thanh toán chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe;
b) Trường hợp bị ốm đau, tai nạn làm suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động thì được bồi thường tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
c) Trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà chết thì được bồi thường chi phí cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị tai nạn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về lao động;
d) Trường hợp bị thương hoặc chết mà đủ điều kiện thì được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về người có công”.
Theo quy định trên, trong thời gian được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng, người được huy động được bồi thường thiệt hại theo mức thu nhập trung bình ba tháng liền kề của công việc mà người đó thực hiện trước khi được huy động.
Khi thi hành quyết định huy động của người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, nếu người được huy động để vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng bị thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe thì được bồi thường như sau:
Trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà thiệt hại về sức khỏe thì được thanh toán chi phí cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe;
Trường hợp bị ốm đau, tai nạn làm suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động thì được bồi thường tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 3,4 Thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH)
Trường hợp bị ốm đau, tai nạn mà chết thì được bồi thường chi phí cho việc mai táng và tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị tai nạn có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về lao động;
Trường hợp bị thương hoặc chết mà đủ điều kiện thì được hưởng chính sách theo quy định của pháp luật về người có công.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh