Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:57 (GMT+7)

BÀi viết phân tích biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Trong xu thế toàn cầu hóa, sự giao thương buôn bán trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến sự phát triển của nền kinh tế của một quốc gia. Để bảo vệ nền kinh tế phát triển bền vững, bảo đảm anh ninh trật tự, an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, các quốc gia phải đặt ra các biện pháp cần thiết. Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu là một trong những biện pháp hành chính để giải quyết những vấn đề vừa nêu ra ở trên.

Khái niệm

Tại Điều 11 Luật Quản lý ngoại thương 2017 định nghĩa biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu như sau:

+ Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.

+ Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.

Áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được áp dụng khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương

Tại Điều 100 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa:

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó;

+ Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó;

+ Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.

Ngoài ra còn có các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác mà pháp luật có quy định.

Như vậy, khi hàng hóa thuộc một trong các tường hợp trên thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu sau khi đánh giá, lựa chọn biện pháp gây ít cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương.

Hàng hóa thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhưng chưa có trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

Các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Quản lý ngoại thương về cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa

Trường hợp áp dụng cấm xuất khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

+ Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trường hợp áp dụng cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng;

+ Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục;

+ Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

+ Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Do có tính thời điểm rất cao nên việc áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu phải được quyết định theo một quy trình nhanh nhằm kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích người tiêu dùng. Mặt khác, khi áp dụng biện pháp này vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc quy định tại Điều 9 và phải tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phải chịu sự giám sát chặt chẽ của tất cả các bên tham gia điều ước quốc tế đó.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư