Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:55 (GMT+7)

Điều 40, 42 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 về nghĩa vụ chứng minh

Chứng minh trong tố tụng dân sự không chỉ có ý nghĩa đối với Tòa án trong việc giải quyết vụ việc dân sự mà còn có ý nghĩa đối với các đương sự trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Phân tích và đánh giá quy định về chứng cứ, chứng minh trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Đương sự trong vụ án dân sự theo pháp luật về tố tụng dân sự được hiểu là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn. Và dựa vào sự phát sinh tranh chấp được đưa ra khởi kiện thì đây là tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ mua bán, nên vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vụ án về kinh doanh, thương mại. Theo đó, vụ án này bên khởi kiện sẽ là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 đại diện người tiêu dùng tham gia vào qua trình tố tụng.

Căn cứ vào Điều 42 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định cụ thể về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như sau:

Điều 42. Nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

1. Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

3. Tòa án quyết định bên có lỗi trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”

Nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại trọng tài cũng được thực hiện giống như quy định tại Điều 42 của Luật này về nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết tranh chấp tại Tòa án.

- Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự của người tiêu dùng

Trong tố tụng dân sự (sau đây xin được viết tắt là TTDS), quan hệ lợi ích cần được giải quyết trong các vụ việc dân sự là quan hệ giữa các đương sự, do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án thì các đương sự có quyền và nghĩa vụ chứng minh cho Tòa án và những người tham gia tố tụng khác thấy được sự đúng đắn trong yêu cầu của mình, đồng thời chứng minh rằng bị đơn phải có nghĩa vụ đối với yêu cầu của mình. Ngược lại, bị đơn cũng có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh sự phản đối yêu cầu của mình đối với đương sự phía bên kia là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài ra, với quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh của các đương sự thì Tòa án có đầy đủ chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự khách quan, chính xác và đúng pháp luật. Vì vậy, cung cấp chứng cứ và chứng minh được coi là một trong các nguyên tắc cơ bản của TTDS được quy định tại Điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (Bộ luật TTDS 2015):

Điều 6. Cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự

1. Đương sự có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự.

2. Tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp do Bộ luật này quy định.”

Cũng theo Khoản 1 Điều 91 Bộ luật TTDS năm 2015 có quy định hoàn toàn mới về những trường hợp đương sự không phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh.

Đó là việc người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ. Trong trường hợp này, nghĩa vụ chứng minh được đảo ngược cho bên bị kiện - bên bị kiện đó là các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ; họ phải chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại. Vì bản thân người tiêu dùng không phải là người nắm rõ mọi khâu sản xuất hay nhập khẩu nguyên liệu để chế biến,… để có thể có đầy đủ chứng cứ chứng minh lỗi của thương nhân được.

Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh

1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

[…]

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

4. Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc.”

- Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại

Trong tố tụng dân sự, không chỉ đương sự đưa ra yêu cầu mà ngay cả đương sự phản đối yêu cầu cũng có nghĩa vụ chứng minh. Đương sự phản đối yêu cầu phải chứng minh để làm rõ vấn đề: tại sao không chấp nhận yêu cầu của đối phương và muốn bác bỏ yêu cầu đó.

Nói cách khác, đương sự phản đối yêu cầu cũng phải thuyết phục tòa án rằng mình không xâm phạm đến quyền lợi của đương sự có yêu cầu; từ đó tòa án mới có căn cứ, cơ sở để bác bỏ yêu cầu mà phía bên kia đưa ra. Đương sự phản đối yêu cầu phải đưa ra chứng cứ, căn cứ pháp lý, các lý lẽ, lập luận để chứng minh cho việc phản đối đó là đúng đắn và có cơ sở. Do vậy, phía tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ đưa ra các lập luận, bằng chứng chứng minh rằng mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại.

Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh

2. Đương sự phản đối yêu cầu của người khác đối với mình phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.”

Cũng theo quy định về nghĩa vụ chứng minh trong vụ án dân sự thì tại Khoản 2 Điều 91 Bộ luật TTDS năm 2015 cũng thể hiện rõ ràng việc bên bị kiện phải cung cấp, giao nộp cho Tòa án những tài liệu, chứng cứ mà phía bị kiện là tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thu thập và cho đó là bằng chứng chứng minh mình không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại, phản bác lại đơn kiện của phía nguyên đơn – người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy cần có nhận thức đúng đắn rằng, người tiêu dùng chỉ được loại trừ nghĩa vụ chứng minh đối với yếu tố lỗi, nếu muốn được bồi thường thiệt hại, người tiêu dùng vẫn phải chứng minh các yếu tố khác theo pháp luật tố tụng dân sự như: có thiệt hại thực tế xảy ra, có hành vi trái luật gây thiệt hại, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư