Phân loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:01 (GMT+7)

Luật Cạnh tranh năm 2018, tại Điều 45 quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm

Pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh cũng được xây dựng trên tinh thần chung của pháp luật cạnh tranh là can thiệp và bảo đảm cạnh tranh tự do trên thị trường. Quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường cũng đồng nghĩa với quyền tự do cạnh tranh, theo đó doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, tự do kinh doanh hay tự do cạnh tranh, cũng đều có giới hạn. Đó là không được ảnh hưởng đến sự tự do của người khác, của các chủ thể khác tham gia thị trường, bao gồm các doanh nghiệp cạnh tranh khác và người tiêu dùng.

Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được định nghĩa tại Khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Định nghĩa trên có một số điểm khác biệt so với định nghĩa tại Khoản 4 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2004, theo đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc người tiêu dùng.

Phân loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Xét một cách khái quát, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh có cùng bản chất là việc tạo ra những lợi thế không chính đáng trong tương quan cạnh tranh trên thị trường và có thể chia thành ba nhóm, đó là: Các hành vi mang tính chất lợi dụng; Các hành vi mang tính chất công kích hay cản trở; Các hành vi lừa dối, lôi kéo khách hàng.

Các hành vi mang tính chất lợi dụng lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác

Đây là nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh điển hình, được biết đến với nhiều dạng thức khác nhau như gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ; lợi dụng thành quả đầu tư của người khác; xâm phạm bí mật kinh doanh… Bản chất của hành vi này là việc chiếm đoạt hay sử dụng trái phép lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp khác. Đây cũng là dạng hành vi gần với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sự khác biệt chỉ nằm ở đối tượng bị xâm phạm.

Ví dụ, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng bị xâm phạm là một số tài sản trí tuệ cụ thể của doanh nghiệp đã được xác lập quyền thông qua việc đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ. Còn đối với trường hợp cạnh tranh không lành mạnh, đối tượng bị xâm phạm rộng hơn, bao gồm tất cả giá trị, thành quả mà doanh nghiệp cạnh tranh đạt được một cách hợp pháp thông qua quá trình kinh doanh, bao gồm cả những yếu tố công khai như uy tín thương hiệu, chỉ dẫn thương mại hay không công khai như bí mật kinh doanh. Nhưng không phải mọi dạng thành quả đầu tư, lợi thế cạnh tranh đều được bảo vệ, có những đối tượng có được từ kết quả phát triển kinh tế xã hội, khoa học kĩ thuật chung của ngành, khi đó các doanh nghiệp có quyền tiếp cận và sử dụng tự do để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh.

Trong quá trình xử lí vụ việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng được tính đến khi việc lợi dụng uy tín, thành quả đầu tư của người khác gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ, uy tín hay khả năng kinh doanh của bên vi phạm.

Các hành vi mang tính chất công kích hoặc cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

Đây là nhóm hành vi có chung bản chất là tấn công vào đối thủ cạnh tranh, triệt tiêu hoặc làm suy giảm các lợi thế cạnh tranh của đối thủ cạnh tranh. Ví dụ như đưa thông tin sai trái làm mất uy tín đối thủ cạnh tranh hoặc các hành vi trực tiếp gây cản trở hoạt động kinh doanh của đối thủ hoặc lôi kéo, mua chuộc nhân viên hoặc đối tác của đối thủ cạnh tranh. Những hành vi này tuy không điển hình và đôi khi khó phát hiện hơn nhóm hành vi trên nhưng các bên liên quan có thể sử dụng các quy định trực tiếp về gây thiệt hại và bồi thường thiệt hại của pháp luật dân sự hoặc cả hình sự để giải quyết tranh chấp một cách triệt để, thay vì áp dụng riêng quy định của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh.

Các hành vi lôi kéo bất chính khách hàng của doanh nghiệp khác

Việc đặt các hành vi thuộc nhóm này, đặc biệt là các hành vi kinh doanh bất chính đã trở nên phổ biến trên thị trường như quảng cáo lừa dối, khuyến mại nhử mồi, chào hàng quấy rối hay ép buộc mua hàng hóa,… vào trong phạm vi điều chỉnh của pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh sẽ tạo được môi trường cạnh tranh công bằng hơn. Bởi bản chất của hành vi này là tạo ra lợi thế cạnh tranh gian dối để lôi kéo khách hàng, người tiêu dùng; tuy người bị ảnh hưởng trực tiếp của hành vi này là khách hàng, người tiêu dùng nhưng các doanh nghiệp cạnh tranh chịu ảnh hưởng gián tiếp từ hành vi đó thông qua việc mất lượng lớn khách hàng, rất có thể dẫn đến sự loại bỏ doanh nghiệp này ra khỏi thị trường khi lượng khách hàng duy trì không thể đảm bảo. Thêm vào đó, hành vi cạnh tranh không lành mạnh còn có thể chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, thương mại, pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng và trong các quy định điều chỉnh ngành, lĩnh vực kinh tế cụ thể. Ví dụ hành vi quảng cáo với thông tin gian dối, không được kiểm chứng không chỉ có trong Luật Cạnh tranh mà còn cả ở nhiều văn bản khác như Luật Quảng cáo, Bộ luật Dân sự, Luật Dược, Luật Kinh doanh bảo hiểm,…

Như vậy, có thể thấy việc đánh giá hành vi cạnh tranh không lành mạnh phụ thuộc nhiều vào thực tiễn xử lí, dựa trên quan điểm của cơ quan cạnh tranh, mức độ ảnh hưởng của hành vi cũng như sự cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giữa yêu cầu bảo hộ các quyền chính đáng của doanh nghiệp và khuyến khích cạnh tranh tự do, phát triển kinh tế xã hội.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư