Quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại là gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:00 (GMT+7)

Bài viết phân tích các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại

Phòng vệ thương mại được hiểu là việc tạm thời hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá khi việc nhập khẩu chúng tăng nhanh gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Một vụ việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được tiến hành điều tra cẩn thận theo từng bước. Vậy trong từng khâu điều tra của một vụ việc phòng vệ thương mại quyền và nghĩa vụ của các bên được quy định như thế nào?

Các bên liên qua trong vụ việc phòng vệ thương mại

Bên liên quan trong vụ việc điều tra phòng vệ thương mại được quy định tại Khoản 1 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương 2017 bao gồm:

+ Tổ chức, cá nhân ở nước ngoài sản xuất, xuất khẩu hàng hóa vào lãnh thổ Việt Nam bị điều tra;

+ Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa bị điều tra;

+ Hiệp hội nước ngoài có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

+ Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hàng hóa bị điều tra;

+ Tổ chức, cá nhân có hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại;

+ Tổ chức, cá nhân trong nước sản xuất hàng hóa tương tự;

+ Hiệp hội trong nước có đa số thành viên là các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa tương tự;

+ Tổ chức, cá nhân khác có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến vụ việc điều tra hoặc có thể giúp ích cho quá trình điều tra hoặc tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tổ chức, cá nhân phải đăng ký và được Cơ quan điều tra chấp thuận để trở thành bên liên quan trong vụ việc điều tra (theo Khoản 2 Điều 74 Luật Quản lý ngoại thương 2017).

Trong đó, Bên yêu cầu là tổ chức, cá nhân đại diện hợp pháp cho ngành sản xuất trong nước nộp Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018).

Bên bị yêu cầu là tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị Bên yêu cầu nộp Hồ sơ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại hoặc bị Cơ quan điều tra tiến hành điều tra theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương (theo Khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018).

Quyền của bên yêu cầu, bên bị yêu cầu

Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu có các quyền được quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 như sau:

+ Tiếp cận các thông tin mà các bên liên quan khác cung cấp cho Cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật theo quy định;

+ Gửi ý kiến về các dự thảo kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng, kết luận rà soát, kết luận điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong thời hạn 07 ngày tính từ ngày Cơ quan điều tra gửi dự thảo để lấy ý kiến;

+ Kiến nghị Cơ quan điều tra gia hạn thời hạn cung cấp thông tin, gia hạn thời hạn trả lời bản câu hỏi điều tra;

+ Yêu cầu bảo mật thông tin theo quy định;

+ Tham gia phiên tham vấn và trình bày quan điểm, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại;

+ Ủy quyền cho bên khác thay mặt mình tham gia quá trình giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại;

+ Yêu cầu Cơ quan điều tra tổ chức phiên tham vấn riêng theo quy định;

+ Khiếu nại, khởi kiện các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo quy định pháp luật về khiếu nại, khởi kiện của Việt Nam.

Nghĩa vụ của bên yêu cầu, bên bị yêu cầu

Bên yêu cầu, Bên bị yêu cầu có các nghĩa vụ được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 như sau:

+ Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ, thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến yêu cầu của mình;

+ Cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời những chứng cứ, thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra;

+ Thi hành các quyết định của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Các bên liên quan không phải là bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu

Các bên liên quan không phải là bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu có các quyền, nghĩa vụ sau đây:

+ Cung cấp thông tin trung thực và tài liệu cần thiết liên quan đến vụ việc điều tra phòng vệ thương mại theo quan điểm của mình hoặc theo yêu cầu của Cơ quan điều tra;

+ Yêu cầu Cơ quan điều tra bảo mật thông tin;

+ Tiếp cận thông tin về vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của Cơ quan điều tra, trừ những thông tin được bảo mật;

+ Tham gia phiên tham vấn và trình bày quan điểm, cung cấp chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ việc phòng vệ thương mại.

Quy định về việc bên liên quan không hợp tác trong vụ việc phòng vệ thương mại

Trong trường hợp bất kỳ bên liên quan nào từ chối tham gia vụ việc hoặc không cung cấp chứng cứ cần thiết hoặc gây cản trở đáng kể tới việc hoàn thành việc điều tra thì kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng đối với bên liên quan đó sẽ dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

Hay trường hợp bất kỳ bên liên quan nào cung cấp các chứng cứ không chính xác hoặc gây nhầm lẫn thì các chứng cứ đó sẽ không được xem xét và kết luận sơ bộ, kết luận cuối cùng đối với bên liên quan đó sẽ được dựa trên cơ sở các thông tin sẵn có.

Các bên liên quan không hợp tác nêu trên đấy sẽ không được xem xét miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Trên đây là các quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan trong vụ việc phòng vệ thương mại. Các bên liên quan không phải nộp phí tham gia giải quyết vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư