2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Một trong những quy định rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đó là rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với nhà xuất khẩu mới. Cụ thể việc rà soát đối với nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài không bán hàng hóa bị điều tra vào lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn điều tra ban đầu nhưng sau đó xuất khẩu hàng hóa đó vào lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là nhà xuất khẩu mới) được quy định tại Khoản 3 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương 2017 và từ Điều 65 đến Điều 67 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018.
Tại Khoản 1 Điều 65 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 quy định:
“1. Nhà xuất khẩu mới là nhà sản xuất, xuất khẩu của nước xuất khẩu bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và không xuất khẩu hàng hóa bị điều tra vào lãnh thổ Việt Nam trong thời kỳ điều tra ban đầu.”
Nhà xuất khẩu mới có thể nộp hồ sơ yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành rà soát và xác định mức thuế chống bán phá giá riêng khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Nhà xuất khẩu mới không có mối quan hệ với các nhà sản xuất, xuất khẩu đang bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá;
+ Nhà xuất khẩu mới thực sự xuất khẩu hàng hóa đó vào lãnh thổ Việt Nam sau thời kỳ điều tra mà Cơ quan điều tra xác định trong vụ việc điều tra ban đầu;
+ Khối lượng, số lượng xuất khẩu vào Việt Nam tính đến thời điểm nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát phải đủ lớn để Cơ quan điều tra có thể xác định được giá xuất khẩu hợp lý.
Nhà xuất khẩu mới cũng có thể nộp Hồ sơ yêu cầu rà soát sau khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá có hiệu lực.
Việc rà soát nhà xuất khẩu mới được quy định tại Điều 66 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 bao gồm các nội dung sau:
+ Biên độ bán phá giá riêng của nhà xuất khẩu mới;
+ Điều kiện áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với nhà xuất khẩu mới.
Thời hạn rà soát đối với nhà xuất khẩu mới là không quá 03 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 03 tháng (theo điểm d Khoản 3 Điều 82 Luật Quản lý ngoại thương 2017).
Căn cứ kết luận rà soát nhà xuất khẩu mới của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành một trong các quyết định sau đây:
+ Áp dụng biện pháp chống bán phá giá riêng đối với nhà xuất khẩu mới;
+ Tiếp tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đang có hiệu lực trong trường hợp nhà xuất khẩu mới rút Hồ sơ yêu cầu rà soát hoặc không hợp tác trong quá trình rà soát.
Như vậy, Căn cứ vào kết quả rà soát của Cơ quan điều tra, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng mức thuế chống bán phá giá riêng cho nhà xuất khẩu mới được rà soát.
Ví dụ về vụ việc rà soát áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với nhà xuất khẩu mới: Ngày 10/11/2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2880/QĐ-BCT rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hợp kim hoặc không hợp kim được cán phẳng, được sơn có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và nước Đại Hàn Dân Quốc (mã vụ việc: NR01.AD04)[1]. Ngày 12 tháng 8 năm 2020, Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) (Cơ quan điều tra) nhận được Hồ sơ đề nghị rà soát thuế chống bán phá giá áp dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu mới đối với các sản phẩm thép phủ màu nhập khẩu từ Hàn Quốc thuộc vụ việc AD04 của công ty KG Dongbu Steel (Hồ sơ). Đến ngày 5/11/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 786/QĐ-BCT về kết quả rà soát nhà xuất khẩu mới trong vụ việc trên với mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với công ty KG Dongbu Steel Co., Ltd (Hàn Quốc) áp dụng từ ngày 12 tháng 3 năm 2021 là 4.95%.[2]
Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý ngoại thương 2017
Luật Hoàng Anh
[1] Xem: https://moit.gov.vn/van-ban-phap-luat/van-ban-dieu-hanh/-ra-soat-nha-xuat-khau-moi-trong-vu-viec-ap-dung-thue-chong-.html, truy cập ngày 18/11/2021.
[2] Xem: http://www.trav.gov.vn/data/00195410-a87c-4a80-989d-83a83a4e020d/userfiles/files/(Final)%20786%20QD-BCT%2005_3_21.pdf, truy cập ngày 18/11/2021.
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh