2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một phương thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong quá trình phát triển của các quan hệ kinh tế và thường được các chủ thể lựa chọn. Phương thức trọng tài do chính các bên trong tranh chấp thỏa thuận lựa chọn, nhưng sẽ được tiến hành theo quy trình pháp luật quy định.
Theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, quy định tại Điều 39 về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ
“Điều 39. Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại trọng tài được thực hiện theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại.”
Hiện nay, trình tự thủ tục khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài được quy định cụ thể tại Luật Trọng tài thương mại Việt Nam 2010 (sau đây xin được viết tắt là Luật TTTM 2010). Khi đã có đủ các điều kiện để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại như có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực… thì các bên thực hiện các bước theo trình tự tố tụng trọng tài. Trình tự, thủ tục được quy định như sau:
Trường hợp giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài. Trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nguyên đơn phải làm đơn khởi kiện và gửi cho bị đơn.
Đơn khởi kiện gồm có các nội dung sau đây:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
b) Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có;
c) Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp;
d) Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có;
đ) Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp;
e) Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết tại Trung tâm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không có quy định khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho Trung tâm trọng tài bản tự bảo vệ. Theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, thời hạn này có thể được Trung tâm trọng tài gia hạn căn cứ vào tình tiết cụ thể của vụ việc.
Đối với vụ tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài vụ việc, nếu các bên không có thoả thuận khác, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi cho nguyên đơn và Trọng tài viên bản tự bảo vệ, tên và địa chỉ của người mà mình chọn làm Trọng tài viên.
Thành phần Hội đồng trọng tài (Theo Điều 39 Luật TTTM 2010)
Thành phần Hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều Trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thoả thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài bao gồm ba Trọng tài viên.
Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết trong vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của các bên và xác nhận của các Trọng tài viên. Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài.
Phiên họp giải quyết tranh chấp được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Các bên có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho người đại diện tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp; có quyền mời người làm chứng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp có sự đồng ý của các bên, Hội đồng trọng tài có thể cho phép những người khác tham dự phiên họp giải quyết tranh chấp. Trình tự, thủ tục tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp do quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm trọng tài quy định; đối với Trọng tài vụ việc do các bên thỏa thuận.
Hội đồng trọng tài ra phán quyết trọng tài bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đa số. Trường hợp biểu quyết không đạt được đa số thì phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài. (Theo Điều 60 Luật TTTM 2010)
Trong phương thức trọng tài sẽ có một Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là một bên trung gian, độc lập nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên.
Ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp này là có tính linh hoạt, tạo quyền chủ động cho các bên, tính nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian có thể rút ngắn thủ tục tố tụng trọng tài và đảm bảo bí mật. Trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc án, quyết định trọng tài không được công bố công khai rộng rãi. Theo nguyên tắc này, các bên có thể giữ được bí mật kinh doanh cũng như danh dự, uy tín của mình. Phán quyết của trọng tài có tính chung thẩm, đây là ưu thế vượt trội so với hình thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải. Sau khi trọng tài đưa ra phán quyết thì các bên không có quyền kháng cáo trước bất kỳ một tổ chức hay tòa án nào. Đồng thời, phán quyết của trọng tài có tính bắt buộc thi hành với các bên. Khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành nhưng có một trong các bên không thực hiện, bên còn lại có quyền gửi đơn yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế thi hành phán quyết của trọng tài. Vì vậy, người tiêu dùng sẽ không còn phải lo lắng về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện không đúng và đầy đủ theo thỏa thuận như theo phương thức thương lượng hay hòa giải.
Tuy nhiên giải quyết bằng phương thức trọng tài đòi hỏi chi phí tương đối cao, vụ việc kéo dài thì chi phí trọng tài cũng cao. Việc thi hành phán quyết của trọng tài không phải lúc nào cũng thuận lợi, trôi chảy.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh