Việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức được quy định như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:01 (GMT+7)

Bài viết chỉ ra việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức được quy định như thế nào?

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá gồm có áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời; áp dụng biện pháp cam kết; áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức; áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước. Một trong những biện pháp chống bán phá giá đó là áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức. Cụ thể việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức như thế nào? Mức thuế ra sao? Thời gian áp dụng là bao lâu? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức được quy định tại Khoản 3 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 thực hiện như sau:

Trường hợp không đạt được cam kết giữa nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị điều tra với Cơ quan điều tra về việc tự nguyện điều chỉnh giá bán hoặc tự nguyện hạn chế khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra xuất khẩu vào Việt Nam, thì sau khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra công bố kết luận cuối cùng về các nội dung điều tra quy định tại Điều 80 của Luật Quản lý ngoại thương 2017.

Kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra và các căn cứ chính để ban hành kết luận cuối cùng phải được thông báo bằng phương thức thích hợp cho các bên liên quan trong vụ việc điều tra.

Căn cứ vào kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra, trong thời hạn 15 ngày kể từ khi Cơ quan điều tra gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương kết luận cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hay không áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức;

Nội dung quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức

Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức gồm các nội dung chính như sau:

+ Mô tả hàng hóa nhập khẩu là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá trong đó bao gồm tên khoa học, tên thương mại, tên thường gọi; thành phần; các đặc tính vật lý, hóa học cơ bản; mục đích sử dụng chính; quy trình sản xuất; tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế và Việt Nam; mã số hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam và mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại từng thời kỳ;

+ Tên, địa chỉ và các thông tin cần thiết khác của các nhà sản xuất, xuất khẩu hàng hóa là đối tượng bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức;

+ Tên nước sản xuất, xuất khẩu hàng hóa bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức;

+ Kết luận điều tra cho thấy sự cần thiết phải áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức;

+ Biện pháp chống bán phá giá chính thức cụ thể;

+ Hiệu lực và thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức;

+ Mức chênh lệch về thuế phải hoàn trả nếu có;

+ Thủ tục, hồ sơ kiểm tra và áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức.

Mức thuế chống bán phá giá chính thức

Tại Điểm c Khoản 3 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định mức thuế chống bán phá giá chính thức như sau:

“c) Mức thuế chống bán phá giá không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng;”

Về nguyên tắc, mức thuế chống bán phá giá được tính riêng cho từng nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài và không cao hơn biên phá giá của họ; Trường hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài không được lựa chọn để tham gia cuộc điều tra nhưng hợp tác với cơ quan điều tra thì mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho họ không cao hơn biên phá giá trung bình của tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu nước ngoài được lựa chọn điều tra; Trường hợp các nhà sản xuất, xuất khẩu không hợp tác, gian lận trong quá trình điều tra thì sẽ phải chịu mức thuế cao mang tính trừng phạt.

Có hai cách xác định mức thuế chống bán phá giá phổ biến:

Cách tính thuế cho khoảng thời gian sắp tới (EU theo cách này): Mức thuế chính thức sẽ được xác định ngay trong Quyết định áp thuế ban hành khi kết thúc điều tra và có hiệu lực cho hàng hoá liên quan nhập khẩu trong khoảng thời gian sau đó;

Cách tính thuế cho khoảng thời gian đã qua (Hoa Kỳ theo cách này): Mức thuế nêu tại Quyết định áp thuế ban hành sau khi điều tra chỉ là tạm thời; hết mỗi năm kể từ ngày có Quyết định này, cơ quan điều tra sẽ xác định biên phá giá thực tế của các nhà xuất khẩu trong năm đó và quyết định mức thuế chính thức cho họ (nếu mức này cao hơn mức thuế tạm tính thì doanh nghiệp phải nộp bổ sung; nếu thấp hơn sẽ được hoàn trả).

Theo quy định của WTO, dù theo cách tính nào thì cứ tròn 01 năm kể từ ngày có Quyết định áp thuế, các bên liên quan trong vụ kiện đều có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền rà soát lại để giảm, tăng mức thuế hoặc chấm dứt việc áp thuế.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá

Tại Điểm d Khoản 3 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá:

“d) Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá là không quá 05 năm kể từ ngày quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực, trừ trường hợp được gia hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật này.”

Thời hạn này trùng với quy định của WTO, việc áp thuế chống bán phá giá không được kéo dài quá 5 năm kể từ ngày có Quyết định áp thuế hoặc kể từ ngày tiến hành rà soát lại.

Trừ trường hợp được gia hạn việc rà soát cuối kỳ như sau: Thời hạn rà soát cuối kỳ là không quá 09 tháng kể từ ngày có quyết định rà soát, trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng (theo Khoản 2 Điều 82 của Luật Quản lý ngoại thương 2017).

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư