Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như thế nào?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:01 (GMT+7)

Bài này chỉ ra việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được thực hiện như thế nào?

Áp dụng biện pháp chống bán phá giá gồm có áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời; áp dụng biện pháp cam kết; áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức; áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước. Biện pháp chống bán phá giá cuối cùng được nhắc đến đó là áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước. Cụ thể việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được quy định cụ thể tại Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 và Điều 45 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018.

Áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước

Tại Điểm a Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định như sau:

“a) Trong trường hợp kết luận cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định có thiệt hại đáng kể hoặc có đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương có thể quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước;”

Việc áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước được xem xét khi có đề nghị của Bên yêu cầu về việc khối lượng, số lượng hàng hóa bị điều tra nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến trong giai đoạn từ khi có quyết định điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Trong đó, ngành sản xuất trong nước là tập hợp các nhà sản xuất hàng hóa tương tự trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc đại diện của họ chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng sản lượng hàng hóa của ngành đó được sản xuất trong nước. Trong trường hợp nhà sản xuất trong nước trực tiếp nhập khẩu hàng hóa bị điều tra hoặc có mối quan hệ với các nhà xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa bị điều tra thì nhà sản xuất này có thể không được xem là nhà sản xuất trong nước.

Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước được xác định là:

+ Thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước là tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước;

+ Đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước là khả năng trước mắt, rõ ràng và chứng minh được về nguy cơ gây thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước;

+ Ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước là tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước;

+ Thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước là tình trạng suy giảm tổng thể hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành sản xuất trong nước;

+ Đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước là khả năng trước mắt, rõ ràng và chứng minh được về nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng của ngành sản xuất trong nước.

Mức thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước

Trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá chính thức cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời thì mức thuế có hiệu lực trở về trước bằng mức thuế chống bán phá giá tạm thời (theo Khoản 3 Điều 45 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018).

Trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức thấp hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời thì mức thuế có hiệu lực trở về trước bằng mức thuế chống bán phá giá chính thức ((theo Khoản 4 Điều 45 Nghị định 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018).

Trong đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận cuối cùng. Mức thuế chống bán phá giá tạm thời không được vượt quá biên độ bán phá giá trong kết luận sơ bộ.

Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực trở về trước

Theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 81 Luật Quản lý ngoại thương 2017: Thuế chống bán phá giá được áp dụng có hiệu lực trở về trước đối với hàng hóa nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời nếu hàng hóa nhập khẩu được xác định bị bán phá giá; khối lượng hoặc số lượng hàng hóa bị bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh đột biến trong giai đoạn từ khi tiến hành điều tra đến khi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời và gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành sản xuất trong nước.

Xem thêm: Tổng hợp các bài viết về Luật Quản lý ngoại thương 2017

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư