Báo cáo khó khăn về khả năng chi trả của tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:57:00 (GMT+7)

Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng,

1.Căn cứ pháp lý

Tổ chức tín dụng phải đảm bảo khả năng chi trả trong suốt quá trình hoạt động nhằm đảm bảo lợi ích cho khách hàng. Khi tổ chức tín dụng lâm vào vào tình trạng khó khăn về khả năng chi trả thì phải thực hiện báo cáo theo quy định tại Điều 145 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017, cụ thể như sau:

Điều 145. Báo cáo khó khăn về khả năng chi trả
Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến áp dụng để khắc phục”

2.Nội dung

Khả năng chi trả của doanh nghiệp nói chung, được hiểu là khả năng của doanh nghiệp trong việc thanh toán đầy đủ, đúng hạn các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính khác, cũng như trang trải được các nhu cầu chi tiêu thường nhật của doanh nghiệp. Đối với tổ chức tín dụng khả năng chỉ trả có ý nghĩa quan trọng các giao dịch hàng ngày của khách hàng. Theo đó, tổ chức tín dụng phải đảm bảo khả năng chi trả theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch hàng ngày của khách hàng. Khả năng chi trả là một trong những yếu tố đánh giá hoạt động hiệu quả, tình hình tài chính của tổ chức tín dụng. Việc đảm bảo được khả năng chi trả sẽ tạo ra tiền đề quan trọng bảo đảm cho sự tồn tại và hoạt động của tổ chức tín dụng. Khả năng chi trả tốt đảm bảo cho quá trình đầu tư, kinh doanh, giao dịch với khách hàng được diễn ra trơn tru, không bị ngắt quãng, từ đó tạo niềm tin cho khách hàng. 
Tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả khi thiếu hụt tài sản có tính thanh khoản cao ở mức 20% trở lên tại thời điểm tính toán tỷ lệ khả năng chi trả dẫn đến không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả theo quy định pháp luật trong thời gian 03 tháng liên tục. Tổ chức tín dụng mất khả năng chi trả khi không có khả năng thực hiện thanh toán nghĩa vụ nợ trong thời gian 01 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán và có tỷ lệ giữa tổng nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, nợ cơ cấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được so với tổng nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản chưa xử lý được ở mức 10% trở lên tại thời điểm liền sau 01 tháng kể từ ngày nghĩa vụ nợ đến hạn thanh toán.
Khi tổ chức tín dụng rơi vào trạng thái mất khả năng chi trả sẽ gây nên tâm lý hoang mang cho khách hàng và các nhà đầu tư, kéo theo ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tín dụng. Chính vì vậy, trong quá trình hoạt động nếu tổ chức tín dụng rơi vào tình trạng có nguy cơ mất khả năng chi trả, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo với NHNN về thực trạng tài chính, nguyên nhân và các biện pháp đã áp dụng, dự kiến để khắc phục. Để thực hiện điều đó, đòi hỏi tổ chức tín dụng phải theo sát quá trình hoạt động của tổ chức, thực hiện báo cáo, rà soát nội bộ thường xuyên để kịp thời phát hiện và xử lý tình huống. Trong trường hợp tổ chức tín dụng không thể tự mình giải quyết thì cần báo cáo ngay cho NHNN để thực hiện các biện pháp ngăn chặn, khắc phục.NHNN là cơ quan quyền lực nhà nước có quyền và nghĩa vụ quản lý, kiểm tra hoạt động của toàn bộ hệ thống tín dụng. Để ngăn chặn tình hình hoạt động của tổ chức tín dụng có thể trở nên xấu đi, gây ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội, NHNN cần áp dụng các biện pháp khắc phục cần thiết sau khi nhận được thông báo của tổ chức tín dụng. Quy định này không chỉ bảo vệ lợi ích của riêng tổ chức tín dụng đó, mà còn đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nhà đầu tư, đối tác của tổ chức tín dụng, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư