2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Chủ thể là thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty TNHH được quyền định đoạt đối với phần vốn góp của mình tại tổ chức tín dụng đó. Theo đó, thành viên thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của mình bằng các chuyển nhượng phần vốn góp đó. Việc chuyển nhượng và mua lại phần vốn góp của thành viên phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, Điều 71 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về chuyển nhượng và mua lại phần vốn góp như sau:
“Điều 71. Chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp
1. Thành viên góp vốn được chuyển nhượng phần vốn góp, ưu tiên góp thêm vốn khi tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ.
2. Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện nhận chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại vốn góp của tổ chức tín dụng”
Chuyển nhượng vốn trong tổ chức tín dụng là công ty TNHH hai thành viên được hiểu là việc thành viên chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp của mình cho thành viên hay cá nhân, tổ chức khác không phải là thành viên của tổ chức. Chuyển nhượng được thực hiện thông qua các hình thức như: bán, tặng, để lại thừa kế…
Mua lại vốn góp là việc các thành viên yêu cầu tổ chức tín dụng mua lại phần vốn góp của mình. Tổ chức tín dụng sẽ sử dụng vốn điều lệ để mua lại phần vốn góp của thành viên theo yêu cầu, điều này làm giảm vốn điều lệ nên được xem là một trong những hình thức thoái vốn của tổ chức tín dụng.
Tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là công ty có ít nhất hai thành viên tham gia góp vốn. Công ty TNHH hai thành viên trở lên có cấu trúc vốn “đóng”. Tức vốn điều lệ của công ty không nhất thiết phải chia thành những phần có giá trị bằng nhau và không được thể hiện dưới hình thức cổ phần. Việc chuyển nhượng vốn của thành viên cho người không phải là thành viên tổ chức tín dụng bị hạn chế bởi quyền ưu tiên nhận chuyển nhượng của các thành viên còn lại trong công ty. Tính chất này cho phép các thành viên có thể ngăn chặn sự thâm nhập của người bên ngoài vào tổ chức tín dụng bằng cách cùng nhau mua hết phần của thành viên muốn chuyển nhượng vốn. Bên cạnh đó, việc mua lại vốn góp của thành viên dẫn đến vốn điều lệ giảm. Mà theo quy định của pháp luật vốn điều lệ của tổ chức tín dụng tối thiểu phải bằng mức vốn pháp định, để đảm bảo an toàn trong quá trình hoạt động và bảo vệ lợi ích cho khách hàng. Vì những nguyên nhân đó, mà việc chuyển nhượng phần vốn góp và mua lại phần vốn góp trong tổ chức tín dụng phải thực hiện theo nguyên tắc chung mà pháp luật quy định:
-Thành viên góp vốn được chuyển nhượng phần vốn góp, ưu tiên góp thêm vốn khi tổ chức tín dụng tăng vốn điều lệ. Việc chuyển nhượng phần vốn góp là quyền của các thành viên, bởi vì theo nguyên tắc thành viên không được rút vốn khỏi tổ chức tín dụng, thay vào đó việc chuyển nhượng là hình thức hợp pháp cho phép chủ thể được rút khỏi tổ chức tín dụng. Việc chuyển nhượng không làm ảnh hưởng đến vốn pháp định của tổ chức tín dụng, nó chỉ đơn giản là thay đổi chủ thể nắm giữ phần vốn góp đó mà thôi. Bên cạnh đó, thành viên cũng có quyền góp thêm vốn vào tổ chức tín dụng, điều đó không chỉ làm tăng phần vốn góp của họ tại công ty mà còn làm tăng vốn điều lệ của tổ chức.
-Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể điều kiện nhận chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại vốn góp của tổ chức tín dụng.
1.Đối với ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp. Trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, thành viên sáng lập chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên sáng lập khác. Trong thời hạn 03 năm kể từ khi bắt đầu góp vốn vào ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, các thành viên góp vốn chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên góp vốn khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức không phải là thành viên góp vốn của ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài cần đảm bảo tỷ lệ góp vốn theo quy định. Điều kiện mua lại phần vốn góp: Yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên góp vốn, điều kiện thanh toán và xử lý phần vốn góp thực hiện theo quy định về mua lại phần vốn góp của Luật Doanh nghiệp; Sau khi thanh toán hết phần vốn góp được mua lại, ngân hàng vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ không được thấp hơn mức vốn pháp định; Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp; Kinh doanh liên tục có lãi trong 05 năm liền kề năm đề nghị mua lại phần vốn góp và không có lỗ lũy kế; Không bị Ngân hàng Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 05 năm liền kề năm đề nghị mua lại phần vốn góp và đến thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp. Việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua lại phần vốn góp phải được Ngân hàng nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Trình tự, thủ tục và hồ sơ đề nghị chuyển nhượng vốn góp, mua lại phần vốn góp thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
2.Đối với tổ chức tài chính vi mô. Điều kiện để tổ chức tài chính vi mô mua lại phần vốn góp của thành viên bao gồm: Kinh doanh liên tục có lãi trong 05 (năm) năm liền kề trước năm đề nghị mua lại phần vốn góp và không có lỗ lũy kế; Tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp; Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 05 (năm) năm liền kề trước năm đề nghị mua lại phần vốn góp và đến thời điểm đề nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại phần vốn góp; Sau khi thanh toán hết phần vốn góp được mua lại, tổ chức tài chính vi mô vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác, bảo đảm các tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng, giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định. Trong thời hạn 05 (năm) năm kể từ ngày được cấp Giấy phép, thành viên sáng lập chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp cho thành viên sáng lập khác với điều kiện đảm bảo các tỷ lệ sở hữu vốn góp quy định. Đối với tổ chức tài chính vi mô là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, các thành viên góp vốn được chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho thành viên góp vốn, tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên đảm bảo: Không làm thay đổi hình thức pháp lý của tổ chức tài chính vi mô; Ưu tiên chuyển nhượng phần vốn cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ với cùng điều kiện; Việc chuyển nhượng phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác chỉ được thực hiện khi các thành viên góp vốn còn lại không mua hoặc không mua hết trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày kể từ ngày chào bán và được thực hiện theo các điều kiện không ưu đãi hơn các điều kiện chuyển nhượng cho các bên góp vốn còn lại trong tổ chức tài chính vi mô; Tổ chức, cá nhân khác nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ thành viên phải đáp ứng điều kiện theo quy định. Việc chuyển nhượng vốn góp phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện. Hồ sơ, trình tự chấp thuận việc chuyển nhượng vốn thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh