Cổ đông phổ thông của tổ chức tín dụng có nghĩa vụ gì?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:51 (GMT+7)

Thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng

1.Căn cứ pháp lý

Bên cạnh quyền lợi được hưởng, cổ đông phổ thông của tổ chức tín dụng cũng phải thực hiện nghĩa vụ nhất định nhằm đảm bảo cho lợi ích của những cổ đông khác nói riêng và toàn thể tổ chức tín dụng nói chung. Điều 54 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông như sau:

Điều 54. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
1. Cổ đông của tổ chức tín dụng phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi vốn cổ phần đã góp vào tổ chức tín dụng;
b) Không được rút vốn cổ phần đã góp ra khỏi tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng; không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng; không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật;d) Tuân thủ Điều lệ và các quy chế quản lý nội bộ của tổ chức tín dụng;
đ) Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị;
e) Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
2. Cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận ủy thác đầu tư trong tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có quyền đình chỉ quyền cổ đông của các cổ đông này trong trường hợp phát hiện họ không cung cấp thông tin xác thực về chủ sở hữu thực sự các cổ phần”

2.Nội dung

Tổ chức tín dụng cổ phần bắt buộc phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông. Cổ phần phổ thông có vai trò quan trọng trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Thông thường, các tổ chức tín dụng phát hành cổ phần phổ thông khi cần huy động vốn để kinh doanh. Việc phát hành cổ phần phổ thông cho phép tổ chức tín dụng huy động được nguồn vốn lớn, dài hạn. Đồng thời, cổ phần phổ thông cũng là biện pháp thu hút các nhà đầu tư của tổ chức tín dụng, gây dựng hình ảnh, uy tín, củng cố vị thế trong hệ thống tín dụng. Pháp luật không giới hạn số lượng cổ đông tối đa của tổ chức tín dụng, số lượng tối thiểu là 100 cổ đông. Với số lượng cổ đông không hạn chế, dẫn đến việc phân chia quyền lực trong tổ chức, dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng gây thiệt hại cho tổ chức tín dụng. Vì vậy, quy định về nghĩa vụ của các cổ đông là điều cần thiết, giúp giảm thiểu những rủi ro, nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra. Theo quy định của pháp luật, cổ đông phổ thông có nghĩa vụ như sau:
-Thanh toán đủ số cổ phần đã cam kết mua trong thời hạn do tổ chức tín dụng quy định. Giá trị của cổ phần do tổ chức tín dụng quy định. Theo đó, khi đăng ký mua cổ phần, chủ thể phải thanh toán tiền dựa trên giá trị của số lượng cổ phần đã mua. Tổ chức tín dụng cần vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh, mỗi tổ chức sẽ quy định thời hạn thanh toán khi mua cổ phần phù hợp với tính chất hoạt động và quy định của pháp luật. Do đó, người mua cổ phần cần phải thanh toán đúng, đầy đủ số lượng cổ phần đã mua vào đúng thời hạn quy định. Cổ đông phổ thông phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của tổ chức tín dụng trong phạm vi vốn cổ phần đã góp vào tổ chức tín dụng. Bản chất của công ty cổ phần là các cổ đông phải chịu trách nhiệm về các khoán nợ và  nghĩa vụ tài chính của công ty trong phạm vi vốn góp của mình. Tức, khi tổ chức tín dụng làm ăn thua lỗ dẫn đến phá sản thì phần vốn góp của các cổ đông sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính của tổ chức.
-Không được rút vốn cổ phần đã góp ra khỏi tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức dẫn đến việc giảm vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Vốn Điều lệ của tổ chức tín dụng được đăng ký với NHNN, việc rút vốn của các cổ đông có thể dẫn đến việc vốn Điều lệ của tổ chức tín dụng nhỏ hơn mức vốn pháp định mà pháp luật yêu cầu. Bên cạnh đó, các cổ đông phổ thông chủ yếu là các nhà đầu tư, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận của tổ chức và cổ tức được hưởng. Nếu họ có quyền được rút vốn cổ phần đã góp thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng vốn Điều lệ của tổ chức tín dụng thay đổi liên tục, điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động ổn định của tổ chức. Vì vậy, cổ đông không được rút vốn đã góp ra khỏi tổ chức tín dụng, thay vào đó họ có thể chấm dứt tư cách cổ đông của mình bằng cách chuyển nhượng, bán cổ phần đang sở hữu cho chủ thể khác. 
-Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng. Việc góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần được thực hiện công khai, minh bạch và phù hợp với quy định pháp luật. Tổ chức tín dụng cổ phần có tối thiểu 100 cổ đông bao gồm cả cá nhân, tổ chức. Cổ phần được niêm yết và giao dịch hàng ngày trên sàn chứng khoán, vì vậy tổ chức tín dụng không thể trực tiếp kiểm soát từng nguồn vốn góp, từng giao dịch hàng ngày được. Bên cạnh đó, cổ đông phổ thông là các nhà đầu tư, họ quyền kiểm tra, xác thực tính pháp lý của giao dịch trước khi tiến hành mua, chuyển nhượng cổ phần. Do đó, các cổ đông phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của nguồn vốn góp, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần tại tổ chức tín dụng. Điều này có nghĩa, các cổ đông phải chịu trách nhiệm nếu giao dịch mình tham gia trái với quy định pháp luật, tổ chức tín dụng không có trách nhiệm trong việc giao dịch không minh bạch của cổ đông. Cổ đông không sử dụng nguồn vốn do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của tổ chức tín dụng. Đồng thời không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác dưới mọi hình thức, trừ trường hợp ủy thác theo quy định của pháp luật. 
-Tuân thủ Điều lệ và các quy chế quản lý nội bộ của tổ chức tín dụng. Với số lượng cổ đông không giới hạn, việc bảo vệ lợi ích cũng như cân bằng quan hệ giữa các cổ đông là điều mà các tổ chức tín dụng đáng quan tâm. Thông qua việc ban hành các nội quy, quy chế, Điều lệ tổ chức tín dụng không chỉ đảm bảo lợi ích của các cổ đông mà còn ổn định, phát triển lợi ích chung của tổ chức. Điều lệ, quy chế của tổ chức tín dụng mang tính bắt buộc, ràng buộc các cổ đông, buộc họ phải tuân thủ.
-Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị. Bên cạnh Điều lệ, quy chế nội bộ, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng cổ phần có thể bạn hành các nghị quyết, quyết định trong trường hợp cần thiết để bảo vệ lợi ích chung. Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị là cơ quan đại diện cho lợi ích chung của tổ chức tín dụng, những quy định, nghị quyết do hai cơ quan này ban hành mang tính quyền lực, áp dụng cho tất cả các chủ thể, nhóm chủ thể trong tổ chức tín dụng.
-Chịu trách nhiệm cá nhân khi nhân danh tổ chức tín dụng dưới mọi hình thức để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, tiến hành kinh doanh và các giao dịch khác để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Các cổ đông phổ thông thông thường không giữ chức vụ gì trong bộ máy quản lý, điều hành, không được tổ chức tín dụng ủy quyền thì không được nhân danh tổ chức thực hiện các giao dịch dân sự với chủ thể khác. Vì vậy, việc lạm dụng danh tính của tổ chức tín dụng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật của cổ đông thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, cổ đông được ủy quyền nhân danh tổ chức tiến hành kinh doanh và tham gia các giao dịch khác nhưng lại thực hiện công việc dựa trên lợi ích cá nhân, hoặc  tổ chức, cá nhân khác mà không phải lợi ích chung của tổ chức tín dụng thì cổ đông đó cũng phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi của mình.
Cổ đông nhận ủy thác đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác phải cung cấp cho tổ chức tín dụng thông tin về chủ sở hữu thực sự của số cổ phần mà mình nhận ủy thác đầu tư trong tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng có quyền đình chỉ quyền cổ đông của các cổ đông này trong trường hợp phát hiện họ không cung cấp thông tin xác thực về chủ sở hữu thực sự các cổ phần.

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư