2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Để được thành lập và hoạt động, tổ chức tín dụng phải đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật, cụ thể khoản 1 Điều 20 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định:
“Điều 20. Điều kiện cấp Giấy phép
1.Tổ chức tín dụng được cấp Giấy phép khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
b) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
c) Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật này;
d) Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng”
Theo đó, Giấy phép của tổ chức tín dụng chính là Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng được cấp bởi Ngân hàng nhà nước. Ngân hàng nhà nước quyết định cấp Giấy phép cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoạt động ngân hàng trên cơ sở xem xét các điều kiện mà pháp luật quy định. Tổ chức tín dụng chỉ được cấp Giấy phép khi đáp ứng các điều kiện sau:
-Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định. Vốn điều lệ, vốn được cấp là vốn ban đầu khi thành lập tổ chức tín dụng. Pháp luật quy định vốn điều lệ, vốn được cấp của tổ chức tín dụng tối thiểu bằng mức vốn pháp định, tức mức vốn tối thiểu mà pháp luật quy định khi thành lập tổ chức tín dụng. Mức vốn pháp định có thể không giống nhau, tùy thuộc vào loại hình tổ chức của tổ chức tín dụng được thành lập mà pháp luật quy định mức vốn pháp định khác nhau. Vốn là điều kiện cơ bản để hình thành doanh nghiệp. Các hoạt động của tổ chức tín dụng phát sinh từ nguồn vốn này. Việc quy định vốn pháp định là một trong những biện pháp để các tổ chức tín dụng chứng minh cho cơ quan nhà nước thấy được rằng mình đủ tiềm lực về kinh tế để kinh doanh trong lĩnh vực này, đủ tiềm lực để có thể đảm bảo an toàn, quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng khi tham gia giao dịch với doanh nghiệp mình. Trên cơ sở phân tích, tìm hiểu các nhà làm luật nhận thấy, mức vốn tối thiểu mà luật định là cơ sở để một tổ chức hoạt động ngân hàng duy trì sự ổn định, an toàn trong quá trình hoạt động, kinh doanh, đảm bảo an toàn cho chính bản thân doanh nghiệp đó và khách hàng. Chính vì vậy, điều kiện về vốn là cơ sở để quyết định cấp Giấy phép thành lập một tổ chức tín dụng.
-Điều kiện đối với thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng. Thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập của tổ chức tín dụng có thể là tổ chức, cá nhân nhưng phải đáp ứng các điều kiện mà pháp luật quy định. Thành viên sáng lập, cổ đông sáng lập là những chủ thể góp vốn thành lập tổ chức tín dụng, họ có chức năng, quyền hạn điều hành, quản lý tổ chức tín dụng. Do đó, để đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn cho tổ chức tín dụng thì những chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn. Hoạt động hợp pháp của thành viên là tổ chức là cơ sở để chứng minh lý lịch trong sạch của thành viên đó. Không chỉ đối với hoạt động tín dụng, mà trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào, nếu thành viên là tổ chức kinh doanh không hợp pháp thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, hoạt động của công ty, Bên cạnh đó, năng lực tài chính cũng là yếu tố quan trọng trong việc góp vốn thành lập tổ chức tín dụng. Theo đó, vốn góp phải là nguồn tiền của chính tổ chức đó, không phải là tiền đi vay. Bản chất của vốn góp là tài sản riêng của tổ chức tín dụng, là công cụ để chứng minh năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Nên nếu đó là nguồn vốn đi vay thì không còn đáp ứng được yêu cầu về vốn nữa.
(2) Cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn. Cũng như đối với thành viên, cổ đông là tổ chức, thành viên là cá nhân phải đáp ứng điều kiện cơ bản về năng lực hành vi và năng lực tài chính. Việc góp vốn sáng lập tổ chức tín dụng là giao dịch dân sự đòi hỏi chủ thể tham gia phải là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tức cá nhân phải đủ 18 tuổi và không bị rơi vào các tình trạng hạn chế, mất năng lực hành vi hay có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Bên cạnh đó, cá nhân sáng lấp tổ chức tín dụng cũng là người có đủ khả năng tài chính để tham gia góp vốn giống như thành viên là tổ chức. Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định.
-Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Người quản lý tổ chức tín dụng bao gồm Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc (Giám đốc) và các chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng. Người điều hành tổ chức tín dụng bao gồm Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc), Kế toán trưởng, Giám đốc chi nhánh và các chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng. Hoạt động ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm đối với nền kinh tế tài chính nói chung, do đó, pháp luật quy định nghiêm ngặt về các nghiệp vụ kiểm toán nội bộ, kiểm soát, đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, quy định nội bộ, Điều lệ và nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, chủ sở hữu, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. Để thực hiện tốt các công việc đó, tổ chức tín dụng phải có Ban kiểm soát. Theo đó, người quản lý, người điều hành, thành viên của Ban kiểm soát là những chủ thể có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan trực tiếp đến hoạt động, kinh doanh, vận hành của tổ chức tín dụng. Do đó, những chủ thể này phải đáp ứng các điều kiện như năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp…
-Có Điều lệ phù hợp với quy định của LTCTD và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Có thể hiểu Điều lệ công ty là những thỏa thuận giữa các chủ sở hữu của một doanh nghiệp với nhau, là những cam kết mang tính ràng buộc các thành viên trong một luật lệ chung, được soạn thảo dựa trên những quy định chung của pháp luật, trong đó ấn định các nguyên tắc về cách thức hoạt động, quản lý, giải thể doanh nghiệp. Điều lệ công ty được xây dựng dựa trên những nguyên tắc chung của pháp luật, không được trái với quy định của pháp luật. Nội dung Điều lệ phải chứa đựng đầy đủ các nội dung theo quy định như: người đại diện theo pháp luật, thẩm quyền đại diện, cách thức hoạt động, các sản phẩm, dịch vụ cung cấp trên thị trường….Điều lệ công ty là xương sống cho mọi hoạt động của một doanh nghiệp từ việc kinh doanh, vận hành, đến việc xây dựng các quy chế nội bộ….Do đó, Điều lệ phải phù hợp với quy định của pháp luật thì mới đảm bảo cho hoạt động hợp pháp của tổ chức tín dụng.
-Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng. Khi bắt đầu công việc kinh doanh bất kì một ngành nghề gì, thì đề án thành lập công ty là điều mà một doanh nghiệp bắt đầu thành lập không thể thiếu. Đề án thành lập là nền tảng, là cơ sở để cho doanh nghiệp có thể tiến hành việc kinh doanh hiệu quả. Có thể nói, đề án thành lập doanh nghiệp là tập hợp toàn bộ các kế hoạch kinh doanh, vận hành, quản lý, phương án phát triển công ty….Đối với một tổ chức tín dụng, việc hoạt động hiệu quả hay không không chỉ ảnh hưởng đến bản thân tổ chức đó, mà còn ảnh hưởng đến đời sống xã hội và tình hình kinh tế nói chung. Vì vậy, việc đánh giá Đề án thành lập tổ chức phải dựa trên việc phân tích, xem xét kỹ lưỡng các yếu tố như phương án kinh doanh phải khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh