Đối tượng áp dụng các quy định của Luật các tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:44 (GMT+7)

1.Căn cứ pháp lý

Mỗi văn bản pháp luật được ban hành đều hưởng đến điều chỉnh một nhóm đối tượng nhất định phù hợp với đặc điểm và mục đích của văn bản pháp luật đó. Bằng cách ban hành các văn bản pháp luật, Nhà nước nắm quyền kiểm soát, quản lý hoạt động của các chủ thể trong xã hội. Theo đó, Luật tổ chức tín dụng cũng hướng đến điều chỉnh hoạt động của một nhóm đối tượng liên quan, nhằm mục đích quản lý, ổn định thị trường tài chính- tiền tệ. Điều 2 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về đối tượng điều chỉnh như sau:

Điều 2. Đối tượng áp dụng
Luật này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
1. Tổ chức tín dụng;
2. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
3. Văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng;
4. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng”

2.Nội dung

Đối tượng điều chỉnh của LTCTD là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tín dụng và các cá nhân, tổ chức có liên quan, cụ thể:
-Một là, tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng là đối tượng điều chỉnh chủ yếu của LTCTD. Theo đó, tổ chức tín dụng là là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động của ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tín dụng tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.
(1) Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng có thể được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng theo quy định của LTCTD. Theo tính chất và mục tiêu hoạt động, các loại hình ngân hàng bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã. Trong đó, ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng được thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu lợi nhuận; Ngân hàng chính sách là ngân hàng hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động của ngân hàng mang tính chất hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo có hoàn cảnh khó khăn; Ngân hàng hợp tác xã là ngân hàng của tất cả các quỹ tín dụng nhân dân do các quỹ tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập theo quy định của Luật này nhằm mục tiêu chủ yếu là liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân.
(2) Tổ chức tín dụng phi ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng theo quy định của LTCTD, trừ các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác. 
(3) Tổ chức tài chính vi mô là loại hình tổ chức tín dụng chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ.
(4) Quỹ tín dụng nhân dân là tổ chức tín dụng do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập dưới hình thức hợp tác xã để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của LTCTD và Luật hợp tác xã nhằm mục tiêu chủ yếu là tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống.
-Hai là, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Chi nhánh ngân hàng nước ngoài là đơn vị phụ thuộc của ngân hàng nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được ngân hàng nước ngoài bảo đảm chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết của chi nhánh tại Việt Nam. Với chính sách mở của nền kinh tế, sự hình thành và phát triển của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam cũng được gia tăng. Việc áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài là biện pháp tăng cường giao lưu, phát triển kinh tế những vẫn khẳng định vị thế của quốc gia, hòa nhập nhưng không hòa tan.
-Ba là, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng nước ngoài là tổ chức tín dụng được thành lập ở nước ngoài theo quy định của pháp luật nước ngoài. Tổ chức tín dụng nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Văn phòng đại diện được thành lập và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
-Bốn là, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng. Đó là các thành viên, cổ đông, người quản lý điều hành, người đại diện,…của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của các tổ chức tín dụng nước ngoài; công ty con, công ty liên kết của các tổ chức tín dụng….

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư