Dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng?

Thứ ba, 31/01/2023, 16:56:57 (GMT+7)

Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng...

1.Căn cứ pháp lý

Dự phòng rủi ro là nội dung không thể thiếu khi tiến hành đầu tư, kinh doanh bất kỳ lĩnh vực nào. Dự phòng rủi ro cho phép các doanh nghiệp ngăn chặn, hạn chế thiệt hại có thể xảy ra trong quá trình hoạt động, Đặc biệt trong hoạt động ngân hàng, dự phòng rủi ro có vai trò đặc biệt quan trọng. Điều 131 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định về dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng như sau:

Điều 131. Dự phòng rủi ro
1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động.
2. Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
3. Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”

2.Nội dung

Dự phòng rủi ro là số tiền được trích lập và hạch toán vào chi phí hoạt động để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự phòng rủi ro gồm dự phòng cụ thể và dự phòng chung. Trong đó, dự phòng cụ thể là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra đối với từng khoản nợ cụ thể;dự phòng chung là số tiền được trích lập để dự phòng cho những rủi ro có thể xảy ra nhưng chưa xác định được khi trích lập dự phòng cụ thể. Pháp luật quy định về dự phòng rủi ro như sau:
-Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải dự phòng rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản dự phòng rủi ro này được hạch toán vào chi phí hoạt động. Rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng là khả năng xảy ra tổn thất đối với nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài do khách hàng không có khả năng trả được một phần hoặc toàn bộ nợ của mình theo hợp đồng hoặc thỏa thuận với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Do đó, dự phòng rủi ro là cơ sở để bảo vệ hoạt động ổn định, an toàn của tổ chức tín dụng trước những tác động tiêu cực. Chính sách dự phòng rủi ro tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau: Phù hợp với các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, tài chính và báo cáo, thống kê; Có quy trình thu thập thông tin, số liệu về khách hàng, bảo đảm phân loại nợ, cam kết ngoại bảng chính xác, quản lý nợ xấu, quản lý số dư cấp tín dụng xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định; Có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động đối với từng đối tượng khách hàng theo định kỳ, đột xuất; Có quy định quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động; Có cơ chế kiểm tra, giám sát và báo cáo các nội dung theo quy định. 
-Việc phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động do Ngân hàng Nhà nước quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.  Ít nhất mỗi tháng một lần, trong 07 ngày đầu tiên của tháng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng đến thời điểm cuối ngày cuối cùng của tháng trước liền kề, trích lập dự phòng rủi ro theo kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng và gửi kết quả tự phân loại nợ, cam kết ngoại bảng cho CIC. Ngoài thời điểm phân loại nêu trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được tự thực hiện phân loại nợ, cam kết ngoại bảng theo quy định nội bộ. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo 05 nhóm như sau: nhóm 1 nợ đủ tiêu chuẩn, nhóm 2 nợ chú ý, nhóm 3 nợ dưới tiêu chuẩn, nhóm 4 nợ nghi ngờ, nhóm 5 nợ có khả năng mất vốn.
-Trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thu hồi được vốn đã xử lý bằng khoản dự phòng rủi ro, số tiền thu hồi này được coi là doanh thu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. 

Luật Hoàng Anh

Dịch vụ pháp lý

Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh

Đăng ký email

Số điện thoại nhận tin

© Bản quyền thuộc về -Luật Hoàng Anh- Mọi sự sao chép phải được sự chấp thuận của Luật Hoàng Anh bằng văn bản.
Lên đầu trang zalo.png messenger.png 0908 308 123
Tư  vn  min  phí  ngay Chat  vi  lut  sư