2
Tư vấn mở chuỗi kinh doanh nhượng quyền thương mại
MỤC LỤC
Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng có thể bị mất tư cách đảm nhiệm chức vụ trong một số trường hợp nhất định. Cụ thể, Điều 35 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi năm 2017 quy định:
“Điều 35. Đương nhiên mất tư cách
1. Các trường hợp sau đây đương nhiên mất tư cách thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc):
a) Mất năng lực hành vi dân sự, chết;
b) Vi phạm quy định tại Điều 33 của Luật này về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ;
c) Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của
tổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tư cách pháp nhân;
d) Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức;
đ) Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
e) Khi tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép;
g) Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực;
h) Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân.
2. Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh về việc các đối tượng đương nhiên mất tư cách theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng trên đương nhiên mất tư cách và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này; thực hiện các thủ tục bầu, bổ nhiệm chức danh bị khuyết theo quy định của pháp luật.
3. Sau khi đương nhiên mất tư cách, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm”
Đương nhiên mất tư cách là việc một người không được tiếp tục đảm nhiệm vị trí hiện tại nữa. Việc đương nhiên mất tư cách diễn ra khi chính chủ thể đang đảm nhiệm vị trí tại tổ chức tín dụng, hoặc chính tổ chức tín dụng nơi họ đang thực hiện quyền và nghĩa vụ không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Cụ thể, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) đương nhiên mất tư cách trong các trường hợp sau:
-Mất năng lực hành vi dân sự, chết. Năng lực hành vi dân sự là khả năng một chủ thể có thể tham gia thực hiện các giao dịch dân sự. Theo quy định của pháp luật, một người được tham gia bất kỳ giao dịch nào mà pháp luật cho phép khi họ có đầy đủ năng lực hành vi. Người đảm nhiệm chức vụ là người điều hành, quản lý công ty phải là người có đầy đủ năng lực hành vi để tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ vì lợi ích chung của tổ chức. Vì vậy, khi chủ thể mất năng lực hành vi tức rơi vào trạng thái không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình thì đương nhiên mất tư cách trong tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, trường hợp một người chết đi thì không thể tiếp tục thực hiện công việc của mình được nữa. Vì vậy, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) nếu chết thì đương nhiên mất tư cách đảm nhiệm chức vụ.
-Vi phạm quy về những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ. Pháp luật quy định những người không được đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc). Do đó, nếu những người đảm nhiệm những vị trí này thuộc trường hợp pháp luật cấm thì sẽ đương nhiên mất tư cách theo quy định.
-Là người đại diện phần vốn góp của một tổ chức là cổ đông hoặc thành viên góp vốn của
tổ chức tín dụng khi tổ chức đó bị chấm dứt tư cách pháp nhân. Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng có thể là cá nhân hoặc tổ chức. Theo đó, nếu thành viên góp vốn là tổ chức thì phải có người đại diện phần vốn góp đó thực hiện quyền và nghĩa vụ của một cổ đông của tại tổ chức tín dụng góp vốn. Khi thành viên góp vốn là tổ chức chấm dứt tư cách pháp nhân, giống như thành viên là cá nhân chết, đều không có đủ điều kiện tiếp tục tư cách là thành viên góp vốn nữa. Mà người đại diện là người nhân danh tổ chức thực hiện công việc vì quyền và lợi ích của tổ chức đó. Vậy nên, khi tổ chức mất tư cách pháp nhân tức tư cách tham gia các giao dịch dân sự một cách độc lập, thì người đại diện cũng không cần tiếp tục thực hiện công việc đại diện của mình nữa.
-Không còn là người đại diện phần vốn góp theo ủy quyền của cổ đông là tổ chức. Cũng gần như trường hợp trên, thành viên góp vốn là tổ chức cần phải có người đại diện thay mình thực hiện quyền và nghĩa vụ của cổ đông tại tổ chức tín dụng góp vốn. Cá nhân đại diện được tổ chức ủy quyền thực hiện công việc đại diện trong phạm vi ủy quyền đã thỏa thuận. Khi không còn là đại diện của tổ chức thì công việc đại diện cũng chấm dứt.
-Bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Có thể hiểu trục xuất là hình thức xử phạt buộc người nước ngoài có hành vi vi phạm pháp luật tại Việt Nam phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. Trục xuất chỉ xảy ra với những hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật nước nơi đang cư trú. Cá nhân khi bị trục xuất khỏi Việt Nam thì đương nhiên mất tư cách đảm nhiệm các vị trí tại tổ chức tín dụng.
-Khi tổ chức tín dụng bị thu hồi Giấy phép. Thu hồi giấy phép là việc Nhà nước không công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tín dụng. Việc thu hồi Giấy phép diễn ra khi tổ chức tín dụng vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ về việc thành lập và hoạt động. Khi bị thu hồi Giấy phép tổ chức tín dụng không còn tư cách hoạt động trên thị trường, do đó, những người đảm nhiệm chức vụ trong cơ cấu tổ chức của tổ chức tín dụng cũng đương nhiên không thể tiếp tục công việc của mình.
-Khi hợp đồng thuê Tổng giám đốc (Giám đốc) hết hiệu lực. Tổng giám đốc (Giám đốc) có thể được tổ chức tín dụng thuê theo hợp đồng lao động, theo đó, khi thời hạn thực hiện hợp đồng kết thúc các bên có thể thỏa thuận gia hạn hợp đồng hoặc kết thúc hợp đồng theo đúng thời hạn. Trường hợp các bên không tiếp tục gia hạn hợp đồng thì cá nhân không cần tiếp tục thực hiện công việc đã thỏa thuận.
-Không còn là thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân. Thành viên của ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân có thể có hành vi vi phạm pháp luật về bị chấm dứt tư cách thành viên, hoặc tự nguyện chấm dứt và được chấp thuận. Khi tư cách thành viên chấm dứt thì chủ thể không còn là thành viên của tổ chức tín dụng nữa.
Thông tin về các thành viên của tổ chức tín dụng được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước từ khi bắt đầu thành lập, do đó, khi thay đổi thành viên thì tổ chức tín dụng cũng có nghĩa vụ báo cáo với NHNN. Theo đó, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của tổ chức tín dụng phải có văn bản báo cáo kèm tài liệu chứng minh về việc các đối tượng đương nhiên mất tư cách gửi Ngân hàng Nhà nước trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định được đối tượng trên đương nhiên mất tư cách và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của báo cáo này; thực hiện các thủ tục bầu, bổ nhiệm chức danh bị khuyết theo quy định của pháp luật.
Sau khi đương nhiên mất tư cách, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình trong thời gian đương nhiệm. Kể từ thời điểm chấm dứt tư cách chủ thể đương nhiên mất tư cách trong hoạt động của tổ chức tín dụng không cần tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh sau thời điểm đó. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm với các quyết định của mình khi đang trong thời hạn đương nhiệm. Tức, mặc dù đã mất tư cách nhưng thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc) vẫn phải chịu trách nhiệm về các giao dịch phát sinh trong thời hạn vẫn còn đương nhiệm.
Luật Hoàng Anh
Để nhận tin tức và quà tặng từ Luật Hoàng Anh